Sau 5 tháng miệt mài xả hàng, khối ngoại đảo chiều mua lại

Nhà đầu tư ngoại đã trở lại mua ròng sau hàng chục tuần bán ròng liên tiếp kể từ cuối tháng 2. Nhưng chuyên gia chứng khoán cho rằng đây chưa hẳn là tín hiệu nhóm này sẽ đảo chiều mua ròng trong tương lai.

Sau 5 thang miet mai xa hang, khoi ngoai dao chieu mua lai

Khối ngoại đã mua ròng sau hàng chục tuần liên tiếp xả hàng. Ảnh Trọng Hiếu

Chỉ số VN-Index có tuần giảm điểm mạnh với thanh khoản thấp. Cụ thể, sau tuần giao dịch giảm điểm trước đó, thị trường tiếp tục giảm mạnh trong 2 phiên đầu tuần và VN-Index kiểm định lại vùng 1.220 điểm trước khi phục hồi. Áp lực bán giảm dần trong những phiên sau đó cùng lực cầu cải thiện đã giúp cho chỉ số chính có phiên tăng điểm cuối tuần, tuy vậy tính chung cả tuần VN-Index vẫn giảm 22,67 điểm (-1,79%), xuống 1.242,11 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 3,86 điểm (-1,6%), xuống 236,66 điểm.

Thanh khoản giảm mạnh và khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm hơn 18% và gần 21% trên HNX so với tuần trước đó.

Ghi nhận của SHS cho thấy, một số ngành chứng kiến nhiều mã giảm điểm trong tuần này như ngành chứng khoán với SSI (-7,76%), VCI (-5,16%), VIX (-12,66%), BSI (-7,55%), CTS (-11,9%), MBS (-8,93%)... nhóm ngân hàng cũng giao dịch kém tích cực với LPB (-8,7%), MBB (-4,33%), ACB (-3,98%), CTG (-4,04%), BID (-3,04%)... Đa số cổ phiếu ngành bảo hiểm có một tuần giao dịch trong sắc đỏ, cụ thể là trụ BVH (-5,57%%), MIG (-5,97%), BMI (-3,37%)...

Điểm đặc biệt là khối ngoại tuần này đã mua ròng sau hàng chục tuần liên tiếp xả hàng. Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 2 phiên và mua ròng 3 phiên. Tổng cộng, khối này đã mua ròng 17,67 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 420 tỷ đồng; trong khi tuần trước bán ròng 9,19 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt hơn 782 tỷ đồng. Tập trung tại mã KDC (+470 tỷ), SBT (+439 tỷ), VNM (+232 tỷ) và MSN (111,6 tỷ)...

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết trong nửa đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bán ra hơn 60.000 tỷ đồng, song có khuynh hướng thu hẹp đà bán ròng trong các phiên trở lại đây, thậm chí một số phiên họ đã mua ròng trở lại.

"Dù vậy, cần lưu ý rằng đây chưa hẳn là tín hiệu nhóm này sẽ đảo chiều mua ròng trong tương lai. Tôi nghĩ sau thời gian dài bán ròng liên tục với số lượng lớn, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại không còn nhiều và chủ yếu là các cổ đông "ngoại" chiến lược nắm giữ cổ phần ở doanh nghiệp", ông Minh nói.

Theo chuyên gia này, có một số yếu tố sẽ khiến NĐTNN mua ròng trở lại. Điển hình là câu chuyện tỷ giá hạ nhiệt, với cơ sở là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất thì có cơ sở để dòng vốn quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian qua đã chứng kiến dòng tiền đổ xô vào các TTCK phát triển có tỷ trọng cổ phiếu công nghệ lớn như Đài Loan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Dù vậy, xu hướng này có phần hạ nhiệt trong thời gian trở lại đây khi các doanh nghiệp đồng loạt công bố BCTC quý II. Dòng tiền trở nên thất vọng và nhận ra AI chưa phải là yếu tố giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh. Với KQKD quý II, định giá nhóm này trở nên khá cao so với giá trị thực và trở nên đắt đỏ hơn.

Khi dòng vốn rút khỏi nhóm cổ phiếu này, cộng thêm việc FED giảm lãi suất, ông Minh kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của dòng tiền.

"Có thể thấy P/E của VN-Index dự phóng xấp xỉ 12-13 lần, lợi suất xấp xỉ 8%, cộng thêm mức cổ tức bằng tiền khá cao (2%) thì lợi suất của VN-Index là 10%. Đây là con số khá hấp dẫn", chuyên gia Yuanta nhận định.

Theo Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN