Sâm Ngọc Linh: Cây giúp vùng căn cứ cách mạng thoát nghèo

Khoảng những năm đầu 90 trở về trước, người Xê Đăng ở vùng Tu Mơ Rông mang bao lên rừng tìm sâm Ngọc Linh. Chỉ cần đi bộ trong rừng khoảng vài tiếng đồng hồ là tìm được đầy bao.
Đó là chuyện của dĩ vãng nhưng cũng chưa xa lắm. Giờ đây khi nguồn sâm Ngọc Linh tự nhiên cạn kiệt gần như không còn. Thay vì bất chấp nguy hiểm vào rừng sâu tìm sâm Ngọc Linh và dược liệu về bán, người Xê Đăng ở vùng căn cứ cách mạng xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã biết tự trồng sâm để làm giàu.
Nhờ trồng được sâm mà người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đang có cuộc sống thay đổi từng ngày.
Huyện Tu Mơ Rông nơi được xem là thủ phủ sâm Ngọc Linh, thì xã Măng Ri – nơi đặt khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Kon Tum trong những năm chiến tranh được xem là xứ sở của loài sâm quý này.
Khoảng những năm đầu 90 trở về trước, người Xê Đăng ở vùng Tu Mơ Rông mang bao lên rừng tìm sâm Ngọc Linh. Chỉ cần đi bộ trong rừng khoảng vài tiếng đồng hồ là tìm được đầy bao.
“Hồi đó sâm mọc trên núi Ngọc Linh nhiều lắm, đi chú ý dưới những tán cây cổ thụ, khe suối là thấy. Củ nhỏ thì phơi khô, nấu nước để uống, củ lớn thì mang xuống huyện lỵ đổi mắm muối, đôi khi đổi đôi dép tông Lào. Có lần mình gùi một bao sâm Ngọc Linh đi cả trăm cây số, xuống dưới trung tâm của tỉnh để đổi lấy chiếc áo về làm kỷ niệm”, ông A Hình (54 tuổi, một người trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh) kể lại.
Mãi những năm sau này, giá lên cao cả vài chục triệu đồng 1kg sâm tươi, người người đổ xô đi vào rừng tìm. Sâm Ngọc Linh thì có hạn, nhu cầu thị trường lại rất lớn nên sâm hết dần. Giờ chuyện tìm được củ sâm tự nhiên trong rừng như là “chuyện mò kim đáy bể”. Thay vì đi tìm, người dân vùng Măng Ri, Tê Xăng Ngọc Lây lên núi trồng sâm dưới tán rừng cổ thụ, vừa bảo vệ được rừng vừa cho thu nhập cao.
Sam Ngoc Linh: Cay giup vung can cu cach mang thoat ngheo
Người dân xã Măng Ri tập trung phát triển sâm Ngọc Linh và sâm dây dưới tán rừng. 
Ông A Hình cho biết: “Sâm nhà mình có trồng được một ít dưới tán rừng. Tuổi thọ của sâm đã được hơn 7 năm. Đến nay, sâm đã cho thu hoạch lá và hạt đều đặn. Hiện khó nhất của người trồng sâm Ngọc Linh là giống. Mỗi cây giống có giá khoảng từ 200.000 đến 300.000 đồng, nhưng cũng rất hiếm”.
Ngoài những hộ có điều kiện mới trồng sâm Ngọc Linh, còn đa số người dân ở Măng Ri đều trồng sâm dây trên rừng già. Hiện đầu ra và giá của loài sâm này rất ổn định nên đang được người dân mở rộng diện tích. Nhiều hộ nhờ trồng sâm dây mà kinh tế khấm khá, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Chị Y H'Lang (ngụ làng Pu Tá, xã Măng Ri) là niềm tự hào của dân bản khi vừa làm kinh tế giỏi, vừa nuôi con thành đạt. Gia đình chị hiện trồng 6 sào sâm dây. Ngoài trồng sâm dây, chị còn đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con. Nguồn thu từ kinh doanh và trồng sâm dây cho gia đình chị hàng năm hơn 100 triệu đồng. Thu nhập này giúp chị xây nhà kiên cố, nuôi 2 con học đại học.
Không chỉ các hộ gia đình mà hiện nay các đoàn viên, thanh niên cũng bước đầu thành công với mô hình trồng sâm dây. Anh A Nhoai, Bí thư Đoàn xã Măng Ri hiện trồng 2 sào sâm dây cạnh bên khu di tích căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum. Anh Nhoai vừa kết hợp trồng sâm dưới tán cây, vừa nhận khoán bảo vệ rừng, vừa trông coi khu di tích.
“Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này thích hợp trồng các cây sâm nên mình chuyển sang trồng. Trồng sâm dây chỉ thả dưới tán rừng là sống, không cần chăm sóc, không phân bón gì cả, khoảng 2 năm là cho thu hoạch. Với giá thị trường đang dao động hơn 100.000 đồng/kg sâm tươi, mỗi năm vườn sâm của mình cho thu nhập hơn 40 triệu đồng, ngoài ra còn được nhận tiền khoán bảo vệ rừng và trông coi di tích. Tới đây, mình tiếp tục xin nhận khoán thêm rừng để trồng sâm dây và bảo vệ rừng”, anh A Nhoai chia sẻ.
Trước đây, Măng Ri là xã vùng sâu vùng xa, hầu hết là người đồng bào, đời sống còn nhiều khó khăn. Giờ về xứ sâm Măng Ri, những con đường bê tông đã vào đến tận ngõ từng nhà, những ngôi nhà mái ngói đỏ đã thay cho tranh tre nứa. Con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã, giờ đã phẳng phiu, uốn lượn qua các sườn núi. Nhiều năm qua, đời sống kinh tế bà con có sự thay đổi lớn.
“Những năm trước đường đi lại khó khăn, gặp phải mưa dài ngày, những anh em cán bộ xã có nhà ở xa phải ở lại chỉ biết ra vườn hái lá khoai lang, nấu cháo, cầm cự. Giờ quán xá mọc lên nhiều, thực phẩm cũng đa dạng, không còn cảnh đói. Có sự thay đổi như vậy là nhờ cây sâm. Người dân không còn vào rừng đi tìm sâm Ngọc Linh mà thay vào đó tự trồng. Giờ nhắc đến Măng Ri là nhắc đến sâm”, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết.
Sam Ngoc Linh: Cay giup vung can cu cach mang thoat ngheo-Hinh-2
Sâm dây và sâm Ngọc Linh đang là cây giúp vùng căn cứ cách mạng thoát nghèo 
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Toàn huyện hiện có 325 héc ta sâm Ngọc Linh và 32 héc ta sâm dây, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây. Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 huyện sẽ có 500 héc ta sâm Ngọc Linh. Tỉnh và huyện khuyến khích người dân trồng sâm, sẽ tạo mọi điều kiện về quỹ đất đối với những hộ có nhu cầu trồng. Huyện tập trung phát triển sâm Ngọc Linh tại khu căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri và đầu tư để nhân giống dòng sâm này tại khu căn cứ, hỗ trợ bà con trồng để duy trì nguồn gen, cũng như xóa đói giảm nghèo".
Cuối cuộc trò chuyện, ông Mười tâm sự: “Giờ sâm Ngọc Linh ở huyện đang được bảo tồn, chưa bán ra ngoài nên mọi người muốn mua phải vào tận vườn thuyết phục người dân, còn mua nơi khác hãy thận trọng. Ngay như tôi, muốn mua củ sâm để làm vật mẫu mà phải vào tận vườn thuyết phục bà con 3 ngày liền mới mua được”.
Theo Chí Dũng /Báo Công an TP HCM

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN