Phương Trang kinh doanh ra sao trước khi tuyên bố thay thế Uber?

Phương Trang tuyên bố lấp chỗ trống Uber để lại bằng việc rót 100 triệu USD mua ứng dụng gọi xe. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh hiện tại Phương Trang có đủ mạnh để thực hiện?
Được xác định là ông lớn trong ngành vận tải nhưng tình hình gần đây của Công ty cổ phần vận tải hành khách Phương Trang chỉ được nhắc đến với những khoản nợ và thua lỗ vì bất động sản. Gần đây nhất là việc lùm xùm với khoản nợ xấu ở Ngân hàng Xây dựng vẫn chưa được giải quyết khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng thay thế Uber của Phương Trang
Một thập kỷ vươn vai thành ông lớn vận tải hành khách
Được thành lập vào tháng 11/2002, Tập đoàn Phương Trang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mua bán ôtô, vận tải hành khách, bất động sản và kinh doanh dịch vụ với các thương hiệu FutaBuslines, FutaExpress, Futa Land, Futa Taxi, FutaCorp và FutaTravel….
Những ngày đầu Phương Trang hoạt động với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại. Đến năm 2008, doanh nghiệp này bắt đầu mở rộng đầu tư các tuyến xe miền Tây.
Vào năm 2009, tổng tài sản của Tập đoàn Phương Trang ước đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của các đối thủ như Mai Linh chỉ đạt gần 5.100 tỷ đồng và Vinasun chỉ có tổng tài sản hơn 1.300 tỷ đồng.
Năm 2010, đơn vị này giới thiệu sở hữu hơn 500 xe khách cao cấp 45 chỗ, 500 taxi và mạng lưới xe vận chuyển hành khách cao cấp khắp các tỉnh từ Huế về đến Cà Mau cùng nguồn quỹ đất trải dài trên hơn 20 tỉnh thành trong cả nước.
 Sau 7 năm thành lập Phương Trang nhanh chóng trở thành ông lớn của ngành vận tải hành khách. Ảnh: Futabus
Ở thời điểm mà vận tải đường bộ vẫn là phương tiện lựa chọn ưu tiên của hành khách, quy mô của Phương Trang nhanh chóng được mở rộng. Chỉ sau 7 năm ra mắt thị trường vận tải, doanh nghiệp này đã vươn vai trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực này với tài sản đồ sộ và thị phần hành khách tương đối cao
Tính đến nay mạng lưới taxi mang thương hiệu Futa ước tính có khoảng 2.000 xe, đầu xe khách đã vượt qua con số 1.000. Doanh nghiệp đã tạo ra uy tín và thống lĩnh thị trường vận tải hành khách, hàng hóa khu vực miền Tây, Đà Lạt…. trong một thời gian dài.
Tuy nhiên cũng từ đây, việc đầu tư vào bất động sản ở thời điểm khủng hoảng đã kéo Phương Trang trượt dài trong nợ nần.
Lâm nợ vì đa ngành
Ngoài kinh doanh vận tải hành khách, Công ty Phương Trang còn phát triển sang các lĩnh vực về du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và đặc biệt là bất động sản. Sa lầy vào kinh doanh bất động sản có thể là nguyên nhân lớn nhất khiến Phương Trang rơi vào cảnh nợ xấu nghìn tỷ.
Phương Trang thành lập Công ty Bất động sản Futaland năm 2010. Hoạt động đầu tư bất động sản đã có từ trước đó vài năm. Tuy nhiên, thời gian doanh nghiệp này đầu tư lớn nhất cho lĩnh vực này là giai đoạn 2010-2011.
Cũng trong năm 2010, Phương Trang còn phối hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang - Hưng Hưng Thịnh - Thế giới Căn hộ tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.
 Dự án New Pearl được bán lại cho Vạn Thịnh Phát với giá 20 triệu USD.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Phương Trang khi đó (nay không còn làm việc ở Futaland), cho biết chiến lược đầu tư của FutaLand là tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.
Một số dự án trọng điểm của FutaLand như New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) với diện tích 2.200 m2, có giá bán lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha), dự án Han Riverview, Đà Nẵng (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, Đà Nẵng (120 ha).
Năm 2011, Futaland cũng đã rầm rộ ra mắt dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang - Vịnh Đà Nẵng với tổng diện tích lên đến 147ha, vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng nhưng nhìn chung không thành công.
Chiến lược đầu tư mạnh vào bất động sản của Phương Trang dường như bị trật đường ray khi lãi suất tăng phi mã giai đoạn 2011-2012. Có lẽ chính ban lãnh đạo Phương Trang cũng đã không thể ngờ được kịch bản lãi suất đột ngột tăng cao như vậy dẫn đến các dự án đói vốn và không thể tiếp tục triển khai thực hiện.
Hầu hết dự án đều bế tắc vì chi phí vốn quá cao, phần lớn được đem đi cầm cố ngân hàng, một số trong đó thì nhanh chóng được sang tay để thu hồi vốn. Đơn cử, năm 2013, Futaland đã phải bán dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.
Mô hình phát triển thành tập đoàn đa ngành là hướng đi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, bài học của Phương Trang cho thấy, đầu tư dàn trải, không chú trọng hoặc chưa đẩy mạnh vào lĩnh vực then chốt, khi bối cảnh kinh tế thay đổi, công tác quản trị doanh nghiệp dễ không theo kịp sự phát triển. Sai sót hoặc thua lỗ sẽ là hậu quả tất yếu, hành trình với bất động sản đang được ví như là “chuyến xe bão táp” đối với Phương Trang.
Khoản nợ 3.400 tỷ đồng và câu hỏi ngỏ về tham vọng thay thế Uber
Năm 2016, Phương Trang vướng vào vụ lùm xùm với Ngân hàng Xây dựng liên quan khoản nợ xấu lên đến 3.000 tỷ đồng của công ty của Phương Trang kéo dài từ năm 2009.
Theo ngân hàng này, nhóm nợ của Công ty Phương Trang là một trong những nhóm nợ lớn, tồn đọng suốt nhiều năm với hồ sơ pháp lý khá phức tạp. Các khoản vay chủ yếu dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh của Phương Trang, như mua xe, đầu tư các dự án bất động sản...
Theo Ngân hàng Xây dựng, 10 hồ sơ vay lớn nhất với giá trị 3.000 tỷ đồng sẽ được Ngân hàng Xây dựng khởi kiện sớm trong lộ trình thu hồi nợ của nhà băng. Nghĩa là nếu tòa án xử Ngân hàng Xây dựng thắng kiện, có quyết định thi hành án, thì ngân hàng này sẽ xử lý tài sản đảm bảo của Phương Trang để thu hồi nợ. Hiện tại, tất cả nợ của Phương Trang đều đã ở nhóm 5 (nợ không có khả năng thu hồi).
 
Cuối tháng 5/2016, Phương Trang đã có văn bản số 38 gửi Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; trong đó nêu rõ, công ty này đã thế chấp hàng chục dự án bất động sản, 211 xe khách, và các tài sản khác với trị giá hơn 14.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng để vay vốn đầu tư.
Hiện nay Phương Trang không công bố các thông tin về tài chính và các khoản đầu tư nên không thể phân tích chi tiết về tình hình nợ vay và các khoản đầu tư cụ thể của doanh nghiệp này. Dữ liệu mới nhất về tình hình hoạt động của công ty là vào năm 2014.
Theo thống kê năm 2014, công ty mẹ Futa Corp chỉ có vốn điều lệ 770 tỷ đồng nhưng có tài sản lên đến gần 7.200 tỷ đồng. Trong phần tài sản, Futa Corp đã đầu tư gần 1.950 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết. Phần còn lại chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Ngoài khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, Phương Trang vẫn đang sử dụng xe để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ở các ngân hàng khác. Cụ thể, 100 xe khách trên 40 chỗ của Phương Trang, 40 chiếc Toyota Hiace, 34 chiếc Ford, 19 chiếc Samco loại 34 chỗ ngồi…được đăng ký làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay 300 tỷ đồng (hiện nay dư nợ còn lại 200 tỷ đồng) tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
VPBank cũng nhận 41 chiếc xe khách cỡ lớn làm tài sản đảm bảo của công ty này trong các năm 2014 và 2015.
Tổng nợ phải trả cuối năm 2014 là hơn 6.500 tỷ đồng, nhưng chỉ có khoản vay dài hạn 3.044 tỷ đồng và không có vay nợ ngắn hạn. Nhiều khả năng đây chính là khoản nợ khó đòi mà Ngân hàng Xây dựng đã đề cập. Còn lại bao gồm 1.000 tỷ đồng người mua trả tiền trước và 2.400 tỷ đồng phải trả.
Trong bối cảnh như vậy, Phương Trang tuyên bố vừa quyết định đầu tư ít nhất 100 triệu USD vào ứng dụng Vivu và đổi tên ứng dụng này thành VATO.
Với việc rút lui của Uber tại Đông Nam Á, đơn vị này thúc đẩy VATO ra mắt sớm hơn dự kiến, ngay đầu tháng 4 thay cho kế hoạch trước đó vào tháng 5.
100 triệu USD rót vào lĩnh vực này, Phương Trang cho biết chưa phải là số tiền quá lớn và việc đầu tư không chỉ dừng ở con số này.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi với tình hình kinh doanh hiện tại Phương Trang có đủ mạnh để thực hiện tham vọng này.
Theo Bình Nguyên/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN