'Ông trùm BOT' Tasco dính bê bối thất thoát trăm tỷ?

Kết quả kinh doanh lao dốc, “ông trùm BOT” Tasco đang bị quỹ ngoại rút vốn.  
Quỹ Pyn Elite Fund (Non – Ucits), cổ đông lớn của CTCP Tasco (Mã: HUT) mới đây đã công bố thông tin thoái bớt vốn góp tại công ty.
Lỗ nặng, Quỹ ngoại tháo chạy khỏi “ông trùm” BOT
Cụ thể, Pyn Elite Fund đã bán 1 triệu cổ phiếu HUT vào ngày 23/5 vừa qua qua sàn giao dịch chứng khoán. Kết thúc giao dịch này, quỹ Pyn Elite Fund giảm số cổ phần sở hữu từ 27,5 triệu xuống 26,5 triệu cổ phiếu HUT, tương ứng tỷ lệ nắm giữ giảm từ 10,25% còn 9,88% vốn điều lệ.
Thị giá cổ phiếu HUT đã có chuỗi ngày giảm hơn 23% giá trị trong ba tháng vừa qua. Đóng cửa phiên diễn ra giao dịch thoái vốn của quỹ Pyn Elite Fund, giá cổ phiếu HUT dừng ở 3.300 đồng/cp, ước tính quỹ này thu về 3,3 tỷ đồng cho lần bán ra này.
Động thái thoái vốn của Pyn Elite Fund diễn ra liên tiếp trong năm 2018. Đặc biệt, tháng 11/2018, Pyn Elite cũng đã bán ra 2 triệu cổ phiếu cổ phiếu HUT khi hoạt động kinh doanh của Tasco liên tiếp rơi vào khó khăn, kết quả kinh doanh “bết bát”.
Theo đó, năm 2018, doanh thu Tasco giảm gần một nửa chỉ đạt 1.147 tỷ, trong khi lợi nhuận là 66 tỷ đồng, giảm 78% so với năm trước đó.
Đến quý I/2019, Tasco đạt doanh thu 319 tỷ đồng nhưng lỗ gần 14 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân khiến doanh nghiệp chịu lỗ đến từ chi phí tài chính quý I tăng mạnh, lên đến xấp xỉ 62 tỷ đồng.
'Ong trum BOT' Tasco dinh be boi that thoat tram ty?
 
Tính đến cuối tháng 3.2019, quy mô tài sản của công ty giảm 0,27% đạt 10.801 tỷ đồng. Hiện, công ty đang có khoản nợ 7.651 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 7.667 tỷ đồng đầu năm nhưng vẫn chiếm trên 70% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính trên 5.500 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu của Tasco. Được biết, trong đó công ty đang vay dài hạn tại các ngân hàng để thực hiện các dự án BOT với tổng số tiền lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Nguồn trả nợ gốc và lãi vay là nguồn thu từ trạm thu phí theo hợp đồng BOT đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cùng với kết quả kinh doanh èo uột, giá cổ phiếu của “trùm BOT” này cũng liên tiếp "dò đáy" trong thời gian qua. Cụ thể, thị giá của HUT đang giảm xuống thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018, HUT đã giảm gần 70% thị giá, tức từ 9.350 đồng/cổ phiếu về vùng 2.900 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá của "ông trùm BOT" chỉ còn 779 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với giai đoạn 2015 – 2017 khi Pyn Elite Fund liên tục nâng sở hữu tại CTCP Tasco, thị giá cổ phiếu HUT của Tasco trên sàn nằm trong khoảng 6.000 đồng cho tới gần 12.000 đồng/cổ phiếu thì rõ ràng, giá trị khoản đầu tư này của Pyn Elite Fund cũng đi xuống khi giá cổ phiếu HUT bốc hơi ít nhất quá nửa.
Trở thành cổ đông của Tasco muộn hơn thông qua đợt phát hành riêng lẻ năm 2017, nhóm quỹ VinaCapital đã mạnh tay mua vào 30 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 315 tỷ đồng cổ phiếu HUT của Tasco. Sau giao dịch này, nhóm VinaCapital nắm giữ 36,72 triệu cổ phiếu HUT, tương ứng tỷ lệ sở hữu 15,27%.
Tuy nhiên, thị giá giảm, kinh doanh lao dốc, VinaCapital đã dần thoái vốn tại đây. Đến nay, VinaCapital cũng chỉ còn nắm giữ 30,12 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 11,99%. Tại mức giá hiện tại, 30 triệu cổ phiếu HUT mà VinaCapital nắm giữ chỉ còn giá trị chưa đầy 100 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với số tiền đã chi ra trong đợt phát hành riêng lẻ cách đây 2 năm.
KTNN điểm tên Tasco trong loạt dự án BT sai phạm
Ngoài việc kinh doanh lao dốc, Tasco đang vướng vào bê bối liên quan đến một số dự án BOT, BT.
Báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước mới đây chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao).
Kiểm toán Nhà nước cho biết, Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với qui định của Luật Đất đai; việc không qui định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và dự án này cũng được giao đất đối ứng khi dự án BT chưa hoàn thiện.
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
'Ong trum BOT' Tasco dinh be boi that thoat tram ty?-Hinh-2
 Dự án đường Lê Đức Thọ đến KĐT mới Xuân Phương.
Cụ thể, tại Dự án Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến Khu đô thị mới Xuân Phương: Do giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Kiểm toán cũng cho hay, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ TN&MT cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.
“Dự án Khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết hợp đồng BT và giá không đổi, nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Dự án này được Tasco khởi công ngày 15/2/2009, tuy nhiên dự án bị giãn tiến độ nhiều năm đến tháng 4/2017 mới hoàn thành. Tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt cắt ngang 50m gồm 8 làn xe. Mức đầu tư của dự án là 1.543 tỷ đồng.
Đồng thời, tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trên, cơ quan này khiến nghị xử lý tài chính với dự án này lên tới 391,6 tỷ đồng.
Được biết, Công ty cổ phần Tasco nguyên là một doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ năm 1971 với tên gọi ban đầu là Đội cầu Nam Hà, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.
Doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông, đầu tư bất động sản…Hiện Tasco đang quản lý và thu phí các trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Tân Đệ (Thái Bình), BOT Quốc lộ 10 (Hải Phòng), BOT Quốc lộ 1. Ngoài ra, VETC – công ty con của Tasco cũng là đơn vị vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC).
Bên cạnh làm các dự án BOT, Tasco cũng tham gia vào nhiều dự án BT để gia tăng quỹ đất, từ đó tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn, xây dựng tuyến đường 3,5km Lê Đức Thọ, Tasco được UBND thành phố Hà Nội đối ứng cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).
*) Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Gia Linh/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN