Ô tô TMT bị yêu cầu giải trình khi cổ phiếu liên tục tăng trần dù đang lỗ

Cổ phiếu TMT của Công ty CP ô tô TMT đã có 5 phiên tăng trần liên tục từ 25-31/12/2024 bất chấp công ty thua lỗ và bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Cổ phiếu của CTCP Ô tô TMT (HoSE: TMT) đã tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 25 - 31/12/2024. Từ mức 7.520 đồng/cp (phiên 25/12/2024), giá cổ phiếu TMT liên tục tăng trong sắc tím. Đóng cửa phiên 31/12/2024, giá cổ phiếu TMT tiếp tục đà tăng kịch trần lên mức 9.840 đồng/cp. Khối lượng giao dịch đạt 271.900 cp.
Nhịp tăng dốc xuất hiện sau diễn biến đi ngang chủ đạo trong suốt gần 5 tháng (từ tháng 8 đến nay). Trước đó, TMT từng giảm hơn 70% thị giá sau hơn một năm, từ vùng 25.300 đồng/cp vào tháng 6/2023 về 7.300 đồng/cp vào đầu tháng 8/2024.
Trước diễn biến bất thường của cổ phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã yêu cầu Công ty TMT trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan tới công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
Được biết, TMT Motors là doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp xe gắn máy và ôtô tải với các dòng sản phẩm làm nên tên tuổi như xe tải Cửu Long, Tata, Howo, DFSK, TMT.
Năm 2022, doanh nghiệp đặt chiến lược phát triển trung và dài hạn trong lĩnh vực ôtô điện, chọn phân khúc xe nhỏ giá rẻ với mẫu Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam.
Doanh nghiệp hợp tác với SAIC GM Wuling Automobile và xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện theo tiêu chuẩn toàn cầu của GM tại Hưng Yên, năng lực sản xuất ban đầu 30.000 xe/năm.
Chỉ hơn một năm sau khi tham gia vào thị trường xe điện, TMT Motors đã đưa những chiếc ôtô điện mini đến tay khách hàng.
Cổ phiếu TMT tăng mạnh dù TMT Motors kinh doanh thua lỗ và bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Trước đó, cổ phiếu TMT rơi vào diện không được cấp ký quỹ (margin) của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) từ 30/8/2024. Nguyên do là lỗ tại báo cáo tài chính bán niên 2024.
O to TMT bi yeu cau giai trinh khi co phieu lien tuc tang tran du dang lo
Ba mẫu xe điện Trung Quốc chuẩn bị được TMT Motors phân phối tại Việt Nam 
Trong quý 3/2024, TMT Motors ghi nhận hơn 352 tỷ đồng doanh thu, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, TMT lỗ gộp gần 42 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, TMT Motors lỗ sau thuế 93 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp. Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận sau thuế của TMT đã âm hơn 191 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
Doanh nghiệp cho biết kết quả lỗ do nguyên nhân khách quan đến từ 2024 là năm khó khăn chung đối với nền kinh tế, bất động sản đóng băng, nguy cơ làm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, thay đổi công nghệ khiến lượng tiêu thụ ô tô giảm sâu.
Về chủ quan, TMT ghi nhận chi phí tài chính cao trong nhiều năm vì hàng hóa tồn kho lớn. Thực tế hàng tồn kho này đã phát sinh thêm chi phí trong sản xuất kinh doanh.
Điểm nhấn đáng chú ý là đà tăng mạnh của cổ phiếu TMT diễn ra ngay sau khi công ty công bố kế hoạch phân phối ba mẫu ô tô điện Trung Quốc tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Công ty tự tin về khả năng cạnh tranh của xe Trung Quốc nhờ vào giá thành rẻ và không cần trạm sạc. Đặc biệt, xuất hiện mẫu Baojun E100 giá dưới 150 triệu đã kèm pin, đây là mẫu ô tô 2 chỗ được ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2017, mang sứ mệnh dần thay thế xe hai bánh gắn máy, cải thiện môi trường và giảm khí thải từ phương tiện giao thông, và đã có thành công nhất định.
Hai mẫu xe tiếp theo mà TMT Motors muốn đưa vào Việt Nam là Baojun Yep 2023 (3 cửa) và Baojun Yep Plus (5 cửa) có thể di chuyển quãng đường 303km và 401km với giá bán từ 300 - 449 triệu đồng.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN