Những loại hoa “cháy hàng” tháng cô hồn

Trong tháng cô hồn, một số loại hoa trở nên đắt hàng hơn hẳn vì được cho là nên mua để cúng Rằm.
Xưa các cụ hay có loại hoa gói, dùng lá dong riềng, lá bàng gói một bông huệ thơm trắng muốt, bông ngọc lan ngát hương... để người dân bày vào chiếc đĩa xinh xắn dâng cúng trên bàn thờ.
Ngày nay bên cạnh nén hương, chén nước, mâm cơm…, bàn thờ của các gia đình Việt Nam luôn có bình hoa đẹp thay cho các đĩa hoa xưa. Trong đạo Phật, hoa dâng cúng đẹp tượng trưng cho sự thanh khiết, thơm tho, có ý nghĩa dâng điều thiện lành, tốt đẹp, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn cúng chư phật và gia tiên, dù giá trị vật chất không nhiều.
Có hàng trăm loài hoa cắm bình dâng cúng vừa đẹp, vừa thơm. Nhưng không phải hoa nào cũng có thể cúng lễ, mà cần chọn lựa kỹ càng.
Dưới đây là một số loài hoa được cho là nên dùng để cúng trong tháng cô hồn:
Hoa Ngọc Lan
Hoa Ngọc Lan là loài hoa trắng muốt, nhỏ nhoi, e ấp. Hoa Ngọc Lan tự nép mình trong vòm lá xanh nhưng vẫn không giấu nổi mùi hương thơm ngát lan tỏa.
Lá, hoa và hình dáng của Ngọc Lan rất giống với Mộc Lan nhưng hoa của Ngọc Lan nói chung mọc thành cụm giữa các nách lá, hơn là mọc đơn ở đầu cành như của Mộc Lan
Nhung loai hoa "chay hang" thang co hon
Ảnh minh họa. 
Hoa Ngọc Lan nhỏ nhắn, xinh xắn có được mùi hương thanh khiết, làm đẹp cho chính mình và cho bầu không khí chung quanh.
“Ngọc Lan” còn là biểu tượng cho tấm lòng thơm thảo, nhân từ. Bởi vậy, từ lâu hoa Ngọc Lan đã được nhiều người mua về cắm trên ban thờ.
Hoa Sen
Hoa Sen là một loài hoa được người đời yêu quí, nhất là trong giới Phật tử, hoa Sen được dùng để cúng và làm chỗ ngồi cho chư Phật. Chẳng riêng gì giới Phật tử quí trọng hoa Sen mà cả trong đền thờ, trong nghệ phẩm thời cổ, hoa Sen còn được dùng làm để trang trí. Như ở Ai Cập cách nay 5.000 năm, hoa Sen là một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật hội họa và điêu khắc.
Từ ngàn xưa, hoa Sen được xem là vật thiêng liêng đối với các tôn giáo, vì nó là một thứ hoa tượng trưng cho vũ trụ hữu hình và vô hình, tuợng trưng cho sức sáng tạo vật chất và tinh thần của vạn vật. Người ta dùng nó để cúng các đấng thần linh.
Nhung loai hoa "chay hang" thang co hon-Hinh-2
Ảnh minh họa.  
Thế nên, đây cũng là một loài hoa được nhiều người lựa chọn trong dịp tháng 7 âm lịch.
Hoa Mẫu Đơn
Mẫu Đơn là loài hoa vương giả sang trọng ở Trung Quốc biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng, sắc đẹp. Ở Nhật Bản, Mẫu Đơn tượng trưng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc với nhiều con cháu.
Còn trong ngôn ngữ loài hoa phương Tây, nhờ những đặc tính y học tuyệt vời, Mẫu Đơn còn được xem như một loại dược thảo chữa bệnh và mang ý nghĩa "sự e lệ".
Ngày nay, Mẫu Đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh. Bởi vậy nhiều người cũng lựa chọn hoa Mẫu Đơn để cúng rằm tháng 7.
Hoa Cúc Vạn Thọ
Cúc Vạn Thọ tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu. Trong tiếng Hy lạp cổ, tên của nó có nghĩa là “bông hoa của người chết” vì thế nó được sử dụng trong tín ngưỡng, để trang trí trên bàn thờ và trồng trong các nghĩa trang, lăng mộ.
Hoa Nhài
Hoa Nhài loài hoa quen thuộc của những người yêu trà. Hoa Nhài thường có hoa trắng, mọc thành cụm ở nách lá hay ngọn cây, thường nở vào ban đêm hoặc vào giữa trưa.
Hoa Nhài là biểu tượng của tình yêu, sự tinh khiết, tận tâm và lòng chung thủy. Bên cạnh đó, mỗi loại hoa với mỗi màu sắc khác nhau đều mang ý nghĩa riêng.
Chính bởi ý nghĩa thuần khiết của hoa Nhài mà không ít người đã chọn loài hoa này để cúng Rằm.
Theo Lily/Giadinh.net

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN