Những doanh nghiệp nào vừa chốt lời cổ phiếu quỹ?

Trong thời gian gần đây khi hầu hết cổ phiếu đã hồi phục sau khi bị giảm sâu vì COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã nhanh tay chốt lời cổ phiếu quỹ đã mua vào trong thời gian trước để ‘cứu giá’.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Kể từ mức 966,67 điểm khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên năm 2020, chỉ số VN-Index có thời điểm còn 662,53 điểm (ngày 30/3), tức giảm hơn 31%.
Đáng lưu ý, không ít cổ phiếu niêm yết giảm giá quá đà, với mức giảm gấp đôi, thậm chí gấp ba mức giảm bình quân của thị trường. Trong bối cảnh đó, một loạt công ty niêm yết công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Lý do để doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ thì vô vàn, có thể do doanh nghiệp thấy giá cổ phiếu trên thị trường đang bị định giá thấp hơn so với giá trị nội tại hoặc đơn giản mua lại chỉ để đầu tư… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chọn cách mua cổ phiếu quỹ để ‘cứu giá’ cổ phiếu trên đà lao dốc.
Trong khí thế hào hứng với khi thị trường đang thiết lập đỉnh lịch sử, VN-Index dần chạm mốc 1.100 điểm, nhiều doanh nghiệp nhanh tay chốt lời số cổ phiếu đã mua trước đó.
Nhung doanh nghiep nao vua chot loi co phieu quy?
 Hàng loạt doanh nghiệp chốt lời cổ phiếu quỹ khi thị giá tăng mạnh.
Gần đây nhất đó là thương vụ của DIC Corp (DIG) khi công ty này thông báo đã bán xong toàn bộ 8,26 triệu cổ phiếu quỹ với giá bình quân 21.700 đồng/cp trong phiên 2/12 thông qua phương thức thoả thuận và khớp lệnh.
Toàn bộ số cổ phiếu này được DIC Corp mua vào trong khoảng thời gian từ ngày 27/3-25/4 để bình ổn giá khi thị trường chung lao dốc vì dịch bệnh COVID-19. Như vậy, so với giá mua bình quân 10.918 đồng/cp, DIC Corp đã lãi khoảng 90 tỷ đồng từ thương vụ mua bán cổ phiếu quỹ này.
Mới đây thì Fecon (FCN) cũng đăng ký bán toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung vốn lưu động. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/1-6/2/2021 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Đây là lượng cổ phiếu quỹ được doanh nghiệp mua vào trong giai đoạn thị trường chứng khoán bắt đầu phục hồi vào tháng 5-6 năm nay. Kể từ đó đến nay, thị giá cổ phiếu FCN đã tăng xấp xỉ trên 50% so với vùng giá trong khoảng thời gian doanh nghiệp thực hiện mua cổ phiếu quỹ.
Với hơn 1,5 triệu cp quỹ, ước tính số tiền Fecon thu về nếu các giao dịch được thực hiện trọn vẹn sẽ vào khoảng 20 tỷ đồng, theo thị giá thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu liên tục tăng giá cũng khiến Vinamilk (VNM) thông qua việc bán toàn bộ 310.099 cổ phiếu quỹ. Theo giá trị trên Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020, lượng cổ phiếu này có giá trị gần 11,7 tỷ đồng, tương đương bình quân 38.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, cổ phiếu VNM đang giao dịch tại mức giá 110.000 đồng/cp. Nếu bán hết số cổ phiếu quỹ nói trên tại mức giá này, Vinamilk sẽ thu về gần 35 tỷ đồng, lãi gấp 3 lần so với giá mua.
Một đơn vị trực thuộc Vinamilk là GTNfoods (GTN) cũng được HĐQT thông qua Nghị quyết bán hết 1 triệu cổ phiếu quỹ có giá gốc là hơn 14,36 tỷ đồng. Nếu bán thành công lượng cổ phiếu quỹ đăng ký với giá thị trường của thời điểm hiện tại là 26.900 đồng/cp, GTNfoods sẽ thu về hơn 27 tỷ đồng, tương đãi lãi gần 13 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cũng đã đăng ký bán cổ phiếu quỹ khi giá tăng cao như Hodeco (HDC) bán toàn bộ 640.829 cổ phiếu quỹ, Haxaco (HAX) bán toàn bộ 134.270 cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Vận tải Xăng dầu VIPCO (VIP) cũng đăng ký bán tối đa 3 triệu cổ phiếu quỹ nắm giữ nhằm tăng số cổ phần đang lưu hành,…
Trên thực tế, sau mỗi chu kỳ thị trường giảm mạnh như thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 hay một vài năm gần đây, việc giá cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ đã mang lại nguồn thặng dư không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ví dụ, tháng 11/2019, Ngân hàng ACB (ACB) bán ra hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ với giá 23.800 đồng/cp, trong khi mức giá mua vào trước đó chỉ khoảng 16.000 đồng/cp, nhờ đó ngân hàng này thu về hơn 838 tỷ đồng thặng dư.
Hay như trong năm 2017, Ngân hàng Techcombank (TCB) từng chi hơn 4.000 tỷ đồng để mua 172 triệu cổ phiếu quỹ, một năm sau bán ra và thu về 12.000 tỷ đồng.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể kiếm lời từ cổ phiếu quỹ nếu thực hiện giao dịch không đúng thời điểm. Mặt khác, khi kinh tế thế giới đang đối mặt với suy thoái, môi trường kinh doanh khó khăn, việc mua cổ phiếu quỹ dễ khiến nguồn vốn của doanh nghiệp trở nên eo hẹp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN