Trong cuộc sống hiện đại, thang máy là một vật dụng hết sức quen thuộc, không thể thiếu tại các khu chung cư, trung tâm thương mại, siêu thị và thậm chí là trong các hộ gia đình. Tiện lợi là thế nhưng không tránh khỏi những lúc, thang máy gặp vấn đề, sự cố trong lúc vận hành. Do vậy, việc trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để đối phó khi thang máy gặp sự cố là điều vô cùng quan trọng.
Những sự cố thang máy thường gặp:
- Thang máy mất điện: Bạn sẽ thấy thang máy đột ngột tối om, hệ thống đang chạy bỗng đột ngột dừng lại.
- Thang máy bị chạy vượt quá tốc độ: Nhiều người lầm tưởng rằng thang máy đang rơi tự do nhưng thực ra là thang máy đang chạy với tốc độ nhanh hơn bình thường.
- Lỗi hệ thống điều khiển: Sự cố này cũng khiến cho thang máy đột ngột dừng hoạt động. Ngoài ra, thang còn dừng hoạt động nếu như một thiết bị bất kỳ nào đó trong hệ thống thang máy bị lỗi hoặc hỏng.
- Thang máy rơi tự do: Trường hợp này xảy ra khi thang máy bị đứt cáp hoặc phanh bị hỏng. Tuy nhiên, sự cố này khá hiếm gặp.
- Cửa thang máy bị kẹt: Thang máy đến vị trí tầng yêu cầu nhưng cửa buồng thang bị kẹt không mở ra được.
|
Trang bị những kỹ năng cần thiết sẽ giúp bạn an toàn khi gặp sự cố trong thang máy. (Ảnh minh họa) |
Phải làm gì để xử lý khi gặp sự cố trong thang máy:
Thứ nhất: Hết sức bình tĩnh
Việc bình tĩnh khi thang máy gặp sự cố là vô cùng quan trọng. Điều cần làm lúc này là trấn an bản thân và suy nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo để sống sót. Có nhiều trường hợp thang máy gặp sự cố trong lúc vân hành nhưng hầu như tất cả mọi người đều có thể an toàn thoát khỏi mà không bị trầy xước. Do đó, bạn đừng quá lo lắng.
Hãy cố gắng loại bỏ những suy nghĩ không hay về việc mình có thể bị kẹt trong thang máy và không thoát ra được. Việc tiếp theo là bình tĩnh và làm theo các bước dưới đây.
Thứ 2: Thử bấm nút mở cửa
Nhiều người khi thấy thang máy dừng hoạt động thường cố gắng bấm nhiều nút điều khiển để xem nó có hoạt động tiếp được không, nhưng điều này là không đúng. Thay vì đó, hãy thử bấm nút mở cửa. Trong trường hợp thang máy vẫn đứng im không nhúc nhích, bạn mới nên bấm chuông cứu hộ hoặc kêu cứu.
Thứ 3: Hít thở sâu, dựa lưng vào tường
Khi xác định được chắc chắn rằng mình đang bị kẹt trong thang máy, bạn nên giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nhắm mắt lại để mắt quen dần với bóng tối. Tiếp đó, hãy đứng dựa lưng vào tường, đầu gối hơi khuỵu xuống, tay bám chắc vào thành để phòng trường hợp thang máy rơi tự do.
Trong trường hợp thang rơi mạnh, hãy ngay lập tức nằm song song với sàn nhà, càng gần chính giữa thang càng tốt. Điều này sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm thiểu tối đa thương tích. Gối đầu lên một tay để tránh bị thương đầu, một tay che mặt để không bị các vật khác rơi lên mặt.
Thứ 4: Tìm cách liên lạc với bên ngoài
Hãy tìm thông tin cần thiết như số điện thoại, số hotline của đội cứu hộ để liên lạc. Trong trường hợp không thể gọi điện được do ở trong thang máy thường không có sóng, hãy dùng các cách khác để tạo tiếng động và thu hút sự chú ý từ bên ngoài như dùng gót giày gõ, đập cửa thang...
Những lưu ý khi gặp sự cố trong thang máy
- Tuyệt đối không tìm cách cậy cửa thang máy. Ngoài ra, bạn cũng không được leo ra ngoài thang máy thì nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và sàn nhà là rất cao. Bên cạnh đó, không nên leo ra ngoài bằng cửa thoát hiểm trên nóc cabin bởi trên đó có nhiều thiết bị điện, dầu mỡ trơn trượt vô cùng nguy hiểm.
- Khi cứu hộ đến, đừng nôn nóng mà hãy đợi đội cứu hộ hoàn thành xong công việc của mình rồi mới từ từ ra ngoài, tránh trường hợp vội vã nhảy ra khỏi cabin rất nguy hiểm, đặc biệt khi thang đang dừng ở giữa tầng.
- Trong trường hợp thang máy rơi tự do, không nên đứng hoặc nhảy lên vì có thể chạm trần cabin gây tổn thương vùng đầu và khi tiếp xúc với sàn có thể bị gẫy chân hoặc chấn thương vùng xương chậu.