Quỹ thành viên KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund thuộc Kim Vietnam Fund Management báo cáo đã mua 1 triệu cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim, tăng sở hữu lên thành 4 triệu đơn vị, tương ứng với 1,52% vốn.
Giao dịch thực hiện ngày 4/12. Thị giá NKG kết phiên 7/12 tại 23.300 đồng/cp, tăng 90% kể từ đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 10 triệu đơn vị. Trong 1 tháng gần nhất, NKG đã tăng 21%. Chiếu theo thị giá kết phiên 4/12, lượng cổ phiếu trên trị giá khoảng 24 tỷ đồng.
Sau giao dịch, tổng sở hữu của nhóm quỹ đến từ Hàn Quốc tăng lên 13,7 triệu đơn vị, tương ứng với 5,2% vốn, và trở thành cổ đông lớn.
|
NKG có thêm cổ đông lớn. |
Như vậy, NKG hiện có 4 cổ đông lớn, gồm Chủ tịch HĐQT - ông Hồ Minh Quang (14,2% vốn), Unicoh Specialty Chemicals (5,03% vốn), CTCP Đầu tư Thương mại SMC (5% vốn) và nhóm Kim Vietnam Fund Management.
Nói về triển vọng cổ phiếu thép, báo cáo ngành thép cập nhật tháng 11 của Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% trong năm 2024 nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, doanh thu dự kiến hồi phục 25% svck nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng 9% và 8%.
Thứ hai, biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13% (so với khoảng 8% của năm 2023). Thứ ba, chi phí tài chính giảm 30% trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.
Với riêng Nam Kim, theo MBS, sản lượng xuất khẩu của đơn vị này dự báo tiếp tục hồi phục 5% khi nguồn cung tại EU vẫn bị ảnh hưởng bởi giá điện tăng.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán DSC cho biết Thép Nam Kim đã lên kế hoạch mở rộng sang phân khúc thép mạ cao cấp hơn thông qua dự án mới nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Đại Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhà máy này có công suất dự kiến 1,2 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.
Việc xây dựng nhà máy sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kéo dài 3 giai đoạn (mỗi giai đoạn 400.000 tấn) đến cuối năm 2026. Sản phẩm mới sẽ là thép mạ sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất cao hơn so với sản phẩm tôn mạ hiện nay của Nam Kim (chủ yếu dùng trong xây dựng).
DSC cho rằng dự án này đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh và doanh thu của Nam Kim trong thời gian tới nhờ tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thép thấp trong nước, từ đó giúp ổn định biên lợi nhuận.
Hiện tại, Nam Kim có 3 nhà máy với tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, chuyên sản xuất tôn lạnh, tôn lạnh màu, tôn kẽm, ống thép. Nếu hoàn thành thêm nhà máy mới, công suất toàn hệ thống sẽ gấp hơn 2 lần lên 2,2 triệu tấn/năm.