Điều bất ngờ khi ông Trump áp thuế đối ứng với hàng loạt đồng minh ở châu Á

Trong một động thái được coi là giải quyết sự mất cân bằng thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế đối ứng với hầu hết các các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả các nước đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Campuchia là quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất mà ông Trump mới công bố, với mức 49%. Ảnh: Reuters.

Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á ngỡ ngàng

Theo tờ Straits Times, châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi ông Trump công bố thuế quan mới. Campuchia chịu mức thuế đối ứng 49%, cao nhất ở châu Á.

Mức thuế bổ sung với Trung Quốc là 34%, chưa bao gồm 20% đã áp dụng trước đó. Việt Nam chịu mức thuế đối ứng là 46%, Thái Lan là 36%, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) là 32%, Malaysia là 24% và Philippines là 17%. Ngoài ra, Ấn Độ bị áp thuế đối ứng 26%, Nhật Bản 24% và Hàn Quốc 25%.

“Trừng phạt Singapore, quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Nam Á, đối tác trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), một quốc gia có nền kinh tế mở, là điều tương đối bất ngờ”, bà Wendy Cutler, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á và là cựu quan chức thương mại Mỹ, nói với tờ Strait Times.

Theo Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Singapore có hiệu lực từ năm 2004, Singapore áp dụng mức thuế nhập khẩu bằng 0 đối với hầu hết hàng hóa Mỹ, miễn là chúng đủ điều kiện theo quy tắc của FTA. Singapore chỉ áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) ở mức 9%, bao gồm cả hàng hóa xuất khẩu và nội địa. Ngoài ra, một số mặt hàng như rượu và thuốc lá phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bà Cutler nói châu Á đang phải chịu thiệt hại lớn nhất với đòn thuế mới của ông Trump. “Ông Trump áp thuế đối ứng ở mức 25% đối với Hàn Quốc theo tôi đánh giá là khác thường. 99% hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Hàn Quốc thuộc diện được miễn thuế”, bà Cutler nói, viện dẫn Hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2012.

“Các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á, chắc chắn sẽ không cảm thấy mức thuế trên là công bằng và sẽ chịu áp lực phải đối phó”, bà giải thích.

Thời khắc lịch sử của Mỹ

Hầu hết các nước trên thế giới đều bị ông Trump áp thuế đối ứng, thấp nhất ở mức 10%. Ảnh: Bloomberg.

Ông Trump lập luận rằng thuế đối ứng sẽ thu hẹp khoảng cách mà ông cho là "không công bằng" giữa mức thuế mà Mỹ đánh vào hàng hóa nhập khẩu và mức thuế mà các quốc gia khác đánh vào sản phẩm của Mỹ.

Chính sách này đánh dấu sự thay đổi toàn diện nhất về trật tự thế giới kể từ Thế chiến 2. Chính quyền ông Trump đã cảnh báo sẽ đáp trả nếu các đối tác phản ứng bằng cách áp thuế tương xứng.

“Ngày 2/4/2025 sẽ mãi mãi được ghi nhớ là ngày ngành công nghiệp Mỹ được tái sinh, ngày vận mệnh của nước Mỹ được giành lại và ngày chúng ta bắt đầu làm cho nước Mỹ giàu có trở lại”, ông Trump tuyên bố khi công bố mức thuế đối ứng tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng.

“Các quốc gia nước ngoài sẽ phải trả tiền để tiếp cận thị trường của chúng ta, thị trường lớn nhất thế giới”, ông Trump nói thêm. “Bởi vì chúng ta rất tử tế… chúng ta sẽ tính phí họ khoảng một nửa so với mức họ đã tính cho chúng ta”.

Các chuyên gia hoài nghi

Nhưng theo các chuyên gia, thuế quan sẽ không thực sự thúc đẩy ngành sản xuất Mỹ, vốn đã suy giảm đáng kể từ sau năm 1945.

Tiến sĩ Marcus Noland, thành viên cấp cao và phó chủ tịch điều hành tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói: “Các mô hình phân tích của chúng tôi đều không không cho thấy sự phục hồi của nền sản xuất Mỹ. Thuế quan mới sẽ chỉ thúc đẩy các giao dịch kinh tế liên quan bất động sản, khách sạn, bán lẻ và nhà hàng".

Tiến sĩ Philip Luck, cựu quan chức kinh tế dưới thời chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, nói  ngay cả khi ngành sản xuất ở Mỹ quay trở lại, điều đó không đồng nghĩa với việc làm.

“Mỹ vẫn là nền kinh tế sản xuất lớn thứ hai trên thế giới. Nhưng vấn đề là sản xuất được thực hiện bằng máy móc và tự động hóa. Chúng ta có thể đưa nhiều ngành sản xuất trở lại, nhưng sẽ không đồng nghĩa với mang lại nhiều việc làm”, ông nói.

Nhật Minh - Straits Times

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN