Phiên 13/2 chứng kiến sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, tiêu cực hơn cả là cổ phiếu nhóm bất động sản khi đồng loạt bị bán tháo và nằm sàn la liệt.
Đơn cử, NVL của Tập đoàn đầu tư địa ốc No va (Novaland) đã giảm sàn về mức 12.800 đồng/cp với dư bán hàng chục triệu đơn vị, cũng bị bán sàn lượng lớn cổ phiếu còn có mã PDR của Phát Đạt, HPX của Hải Phát, CRE của Cenland,...
Theo sau là một loạt cổ phiếu vốn hoá lớn với biên độ giảm đáng kể như HAG, DXG, DIG, CEO, NBB, CII,...
|
Nhiều mã bất động sản giảm với biên độ sâu. |
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh những khó khăn của ngành này kéo dài từ nửa cuối năm 2022 đến nay vẫn chưa có giải pháp.
Trong Báo cáo Triển vọng Ngành quý 1/2023, Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra quan điểm kém khả quan đối với ngành bất động sản trong năm 2023 do các yếu tố “cơn gió ngược chiều” bao gồm “lệch pha cung – cầu” và áp lực dòng tiền lớn trong khi mọi kênh dẫn vốn đều bị tắc.
Giai đoạn 2023 - 2024 là thời điểm các doanh nghiệp cần phải thực hiện tái cấu trúc toàn diện để “tồn tại”và chờ đợi các nút thắt pháp lý, tín dụng được khai thông.
Tuy nhiên, BSC cũng thấy được một số yếu tố tích cực cuối năm 2022, gợi mở các kỳ vọng về chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển bền vững bao gồm Dự tháo sử đổi Nghị định 65; Dự thảo Luật đất đai sửa đổi; Quyết định 1435; và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ dần kéo nhu cầu thực sang các khu vực ngoại thành, từ đó thu hẹp mức độ “lệch pha” giữa cung – cầu.
|
Sắp có thêm cuộc họp giải cứu nhóm bất động sản. |
Được biết, ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/2 trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và tín dụng cho doanh nghiệp và coi đây là "nút thắt cần gỡ để khơi thông cho các thị trường khác liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp".
Trong tháng 2, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Bất động sản có quan hệ mật thiết với nhiều ngành nghề, tạo ra nhiều việc làm. Tuy nhiên, thời gian qua, thị trường này gặp không ít khó khăn khi dòng vốn tín dụng bị kiểm soát, nguồn cung dư thừa so với nhu cầu và thị trường còn thiếu minh bạch... Những yếu tố này khiến giao dịch bất động sản giảm, nhiều dự án ngừng trệ không tiếp tục triển khai do đói vốn...
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cuối năm 2022, Chính phủ đã lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ, ngành. Tổ công tác vừa qua đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp bất động sản lớn để lắng nghe và tìm hướng xử lý khó khăn.