Đó là cách làm của Minh, nữ nhân viên của một ngân hàng quốc doanh thời gian qua. Cũng như một số đơn vị trong làn sóng phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm đến nay, ngân hàng của Minh đang đứng trước áp lực tăng vốn trung dài hạn và vốn cấp hai.
Tất cả đều là giấy tờ có giá kỳ hạn ngắn nhất 7 năm. Dù lãi suất khá hấp dẫn, trái phiếu dạng này chưa thu hút được người gửi tiền Việt Nam. Do đó, ngân hàng Minh đã giao chỉ tiêu bán trái phiếu tới từng chi nhánh, cán bộ để tăng được vốn.
|
Giao dịch viên ngân hàng kiểm tiền. Ảnh: Anh Tú. |
Tuấn, nhân viên tín dụng đã nghỉ việc ở một trong bốn ngân hàng quốc doanh tại Nghệ An cũng kể lại câu chuyện tương tự Minh. Có đợt, anh được giao tới 200 triệu đồng trái phiếu mà không thể huy động từ khách hàng hay người thân. Vợ và bạn bè anh làm việc cho các "Big 4" khác cũng thường được khoán chỉ tiêu ở các đợt phát hành, trung bình từ 100-200 triệu đồng.
"Nếu không bán được thì nhân viên bỏ tiền túi ra mua. Tuy nhiên với số tiền lớn và kỳ hạn dài như vậy thì thông thường chúng tôi sẽ lại vay cầm cố", anh nói.
Như vậy, trái phiếu đáng lẽ được ngân hàng phát hành để huy động từ dân cư thì lại thông qua các nhân viên của mình và quay trở lại két của nhà băng. Hiện tượng này, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, sẽ gây ra tình trạng tăng vốn ảo, tín dụng cũng không vào khu vực sản xuất. Điều này chỉ giúp quy mô vốn và tài sản ngân hàng tăng lên về mặt sổ sách, làm đẹp các chỉ số tài chính và hoạt động cho họ.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, việc phát hành này không đúng bản chất huy động nguồn vốn từ bên ngoài. Thông qua việc nhân viên mua trái phiếu rồi cầm cố, vốn cấp 2 của ngân hàng vẫn tăng nhưng nguồn tiền này không phải huy động từ dân cư.
Thực tế, việc giao KPI (chỉ tiêu) cho nhân viên dựa vào năng lực và vị trí công việc là bình thường ở mọi doanh nghiệp, vì nó mang tính chất san sẻ một phần trách nhiệm hoàn thành công việc chung. Nhân viên vị trí kinh doanh, tiếp xúc với khách hàng nhiều sẽ nhận chỉ tiêu cao hơn so với những người làm kế toán, tài chính, tác nghiệp hỗ trợ phía sau.
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cho biết không ủng hộ điều này nếu trái phiếu lại được quay về trong két ngân hàng. Ngoài việc bản thân mỗi nhân viên nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu theo đúng nghĩa, theo ông, một số ngân hàng quá "bí bách" trong việc tăng vốn cấp 2 có thể đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét giãn lộ trình áp dụng Basel II. Ở chiều ngược lại, các cơ quan chức năng cũng như Bộ Tài chính nên có những giải pháp để tăng vốn cấp 1 cho hệ thống.
Thực tế, các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu huy động từ dân cư là nhằm đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và hệ số CAR theo yêu cầu của Basel II.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cũng chia sẻ với VnExpress, việc tăng vốn tự có của nhà băng gặp rất nhiều khó khăn nên đã nhiều lần trình các phương án lên Chính phủ. Ông cho biết, trong đợt phát hành trái phiếu tăng vốn đang điển khai, nhiều khả năng Agribank cũng chỉ hoàn thành một nửa kế hoạch chào bán ra 5.000 tỷ đồng.
Theo các phương án Ngân hàng Nhà nước cân nhắc, tới giữa năm 2020, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn về mức 40%. Không ít nhà băng cho rằng quy định này của cơ quan quản lý đang đưa họ vào thế khó. Bởi thị trường trái phiếu Việt Nam chưa phát triển nên cần có thời gian để thị trường hoàn thiện cũng như thay đổi nhận thức, thói quen của nhà đầu tư cá nhân.
"Chính việc cứng nhắc ép các nhà băng cải thiện nguồn vốn để đáp ứng quy định này đã gián tiếp gây ra những cuộc đua trái phiếu và có thể để lại nhiều hệ luỵ cho hệ thống", chủ tịch một ngân hàng cổ phần trụ sở tại TP HCM nói.