Nhà đầu tư chứng khoán có liều lĩnh khi đổ tiền vào hàng FLC?

Liên tiếp trong 2 phiên giao dịch 22-23/3, cả thị trường giao dịch yếu và giằng co trước ngưỡng 1.200 điểm, tuy vậy cả nhóm cổ phiếu họ FLC lộn ngược dòng xanh ngắt và thu hút khá dòng tiền khá lớn từ nhà đầu tư.
Ngược với thị trường, nhiều cổ phiếu thị giá thấp tăng mạnh, tiêu biểu là FLC và ROS. Hai cổ phiếu này cùng tăng trần, trắng bên mua về cuối phiên 22/3.
Đặc biệt, cổ phiếu FLC dư mua gần 33 triệu đơn vị ở giá trần 8.580 đồng khi đóng cửa phiên 22/3. Hiện thị giá FLC đang ở mức cao nhất trong hơn 6 năm qua từ năm 2015 đến nay sau chuỗi tăng mạnh từ đầu tháng 3.
Ngoài việc thị giá tăng hết biên độ, FLC và ROS đồng thời dẫn đầu khối lượng giao dịch. Gần 46 triệu cổ phiếu FLC đổi chủ và gần 45 triệu đơn vị ROS được sang tay trong phiên 22/3.
2 cổ phiếu họ FLC niêm yết trên sàn HNX là ART và KLF cũng tăng trần 10%. Dù không đóng cửa ở giá trần, 2 mã liên quan FLC là AMD và HAI cũng tăng mạnh 6%.
Vào ngày 18/11/2019, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết từng hứa đưa cổ phiếu FLC vượt mệnh giá trong năm 2020 nhưng không thực hiện được.
Trên các diễn đàn mạng, nhiều nhà đầu tư đang bày tỏ kỳ vọng lời hứa trên sẽ trở thành hiện thực trong đầu năm 2021. Kết phiên 23/3, cổ phiếu FLC đã đứng ở mức trần 9.180 đồng/cp, chỉ cần 2 phiên tăng trần là chạm mức mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Nha dau tu chung khoan co lieu linh khi do tien vao hang FLC?
 Diễn biến tăng giá thần tốc của FLC.
Cổ phiếu FLC đã bắt đầu leo dốc và tăng trần ngày 15/3 sau khi xuất hiện nhiều thông tin đáng chú ý về tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết này.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo đưa cổ phiếu Tập đoàn FLC ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ từ 11/3.
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 của Tập đoàn FLC ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 1.582 tỷ đồng, một phần vì ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 đối với các lĩnh vực kinh doanh chính như hàng không, du lịch, bất động sản. Vì vậy, từ đầu tháng 9/2020, cổ phiếu FLC bị loại khỏi danh sách cho vay ký quỹ.
Tuy nhiên trong nửa cuối năm, kết quả kinh doanh của FLC có nhiều cải thiện. Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán cả năm 2020, FLC ghi nhận lãi sau thuế 308 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ là 160 tỷ đồng. Do vậy, cổ phiếu FLC đã đủ điều kiện để được cho vay ký quỹ trở lại.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy sở hữu của FLC tại hãng hàng không Bamboo Airways giảm từ 51,29% vào cuối năm 2020 xuống còn 39,4% vào ngày 5/2/2021.
Nguyên nhân là đầu tháng 2 vừa qua, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng nhưng Tập đoàn FLC chỉ góp thêm 550 tỷ đồng, dẫn tới tỷ lệ sở hữu bị pha loãng.
Như vậy từ ngày 5/2 vừa qua, Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC. Dù vậy, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC vẫn là Chủ tịch và cổ đông lớn nắm giữ khoảng 40% vốn của Bamboo.
Một ngày trước khi FLC công bố báo cáo tài chính kiểm toán, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) cho biết đã thắng Tập đoàn FLC trong hai vụ kiện liên quan tới hợp đồng xây dựng tại quần thể FLC Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), yêu cầu FLC phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền gần 277 tỷ đồng.
Tập đoàn FLC phản đối phán quyết của tòa và kiện ngược lại Xây dựng Hòa Bình với cáo buộc vi phạm tiến độ công trình, gây thiệt hại cho FLC.
Nhiều nhà đầu tư sau khi bị “đánh sập mặt” sau khi bỏ tiền vào các cổ phiếu trụ (vốn hoá lớn) thì đã chuyển hướng đầu tư lướt sóng vào các cổ phiếu penny này.
Tuy vậy, đà tăng của cổ phiếu FLC đến khi nào thì không ai có thể chắc chắn và không có báo cáo của công ty chứng khoán nào khuyến nghị mua FLC vào thời điểm này.
Gần đây nhất, sau thời gian tăng nóng, cổ phiếu RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia đã bị “xả hàng”, nhiều phiên giảm sàn sau 34 chuỗi tăng nóng liên tiếp.
Một trường hợp tăng nóng rồi tụt giảm sâu có thể kể đến DAT của CTCP Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản với 38 phiên tăng trần liên tiếp từ mức giá 6.820 đồng/cp tại phiên 8/2/2020 lên đến đỉnh 12/8/2020 là 92.100 đồng/cp.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN