Ngành ngân hàng: Đường hồi phục gập ghềnh

Mặc dù triển vọng ngành ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số, Mirae Asset cho rằng vẫn có nhiều cơ hội đầu tư đối với nhóm ngành này. 
Khởi đầu khó khăn
Tăng trưởng tín dụng dần phục hồi trong Q2/2024: Đến giữa T6/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) báo cáo tín dụng đã tăng 3,79% so với đầu năm, cải thiện so với mức tăng trưởng 2,41% được ghi nhận trong 5 tháng 2024. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện dần qua từng tháng. Chính phủ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 5-6% trong 6 tháng 2024, với mục tiêu hàng năm duy trì ở mức 15-16%.
Tăng trưởng tín dụng được dự kiến tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong nửa cuối năm 2024: Mặc dù mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, tăng trưởng tín dụng vẫn khá ảm đạm trong Q1/2024. Điều này cho thấy lãi suất không phải là nhân tố duy nhất quyết định đối với nhu cầu tín dụng; triển vọng kinh tế (khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ) và triển vọng đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng. Với triển vọng phục hồi kinh tế tích cực hơn trong các quý tới, cùng với khả năng các thông tư hướng dẫn áp dụng Luật Đất đai mới được kỳ vọng ban hành vào cuối Q2/2024, những yếu tố này sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Cho vay doanh nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý 1 năm 2024: Mảng cho vay khách hàng cá nhân vẫn tương đối chậm, trong khi phân khúc ngân hàng doanh nghiệp tiếp tục được khai thác tối đa. Mặc dù vậy, dựa trên mức tăng trưởng ổn định của giá căn hộ và tỷ lệ đặt chỗ tăng cao tại các dự án sắp mở bán, khả năng phục hồi đối với mảng cho vay mua nhà sẽ tích cực hơn trong nửa sau năm 2024.
Tình hình thị trường trái phiếu vẫn tương đối trầm lắng: Các nguyên do chính dẫn đến tình trạng này bao gồm động thái tạm hoãn huy động thêm vốn vay để triển khai các dự án, chờ đợi luật và thông tư mới từ phía nhóm phát triển bất động sản, trong khi tín dụng tăng trưởng không nhiều cũng dẫn đến nhóm ngân hàng không có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng cần thêm thời gian để phục hồi lại niềm tin vào thị trường trái phiếu sau các sự kiện bất thường năm 2022-2023.
Về lãi suất phát hành tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm khoảng 10-30bps từ đầu năm đến nay đối với trái phiếu của các nhóm tổ chức tín dụng, trong khi lãi suất trái phiếu của nhóm bất động sản hầu như không thay đổi trong 4T2024 và tương đương với mức trước COVID.
Dần qua quãng tối
Các chỉ số chất lượng tài sản nhìn chung ghi nhận giảm trong quý 1/2024: Mặc dù có một vài ngân hàng cho thấy chất lượng tài sản tiếp tục cải thiện trong kỳ, tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng đáng kể lên mức 2,2%, tăng 0,3% so với 2023 và tương đương với số liệu cuối quý 2/2023.
Tổng số nợ xấu tăng mạnh so với cuối 2023, mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh giữa năm 2023. Tổng số nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết tăng lên trên 221 nghìn tỷ đồng, tăng 14% trong Q1/2024 hoặc 31,3% so với cùng kỳ.
Đặc tính chung của các ngân hàng có tốc độ gia tăng nợ xấu cao là sở hữu danh mục tín dụng cân bằng giữa các nhóm khách hàng, trong khi những ngân hàng có tỷ trọng nhóm khách hàng cá nhân cao lại thể hiện sự cải thiện về chất lượng tài sản. Qua đó có thể thấy sự gia tăng nợ xấu không phải quá bất thường, vì các doanh nghiệp thường có khả năng chống chịu lâu hơn trước những biến động kinh tế.
Ngoài ra, ngoài việc kinh tế không phục hồi mạnh mẽ như mong đợi trong quý 1/2024, tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản cũng đã làm tăng nợ xấu trong danh mục cho vay mua nhà.
Quá trình xử lý nợ xấu nhiều khả năng sẽ kéo dài hơn dự kiến: Về mặt tích cực, NHNN gia hạn thời gian hiệu lực của Thông tư 02/2023, qua đó kéo giãn thời gian ghi nhận/hình thành nợ xấu cho đến cuối năm 2024, chờ tình hình tổng quan khởi sắc hơn.
Ngược lại, vẫn có nhiều yếu tố cả mới và hiện hữu sẽ làm giảm tốc quá trình hồi phục chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng. Đầu tiên, kể cả khi kinh tế đạt mức tăng trưởng 6-6.5% cho năm 2024 theo mục tiêu từ Quốc hội đề ra thì vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng trước COVID và chưa kể đến là lạm phát hiện đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng thật.
Hơn nữa, chiến dịch chống tham nhũng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cả phía người mua và các nhà phát triển bất động sản, làm giảm tốc sự phục hồi của ngành bất động sản nói chung hay kéo dài tình trạng khó khăn tài chính của các bên tham gia thị trường này.
Tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) giảm nhẹ trong Quý 1: LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm còn 87,9%, giảm 6,7% so với 2023. Bên cạnh đó, số dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 được một vài ngân hàng công bố cũng ghi nhận xu hướng tăng, cho thấy khó khăn vẫn tương đối lớn. Dù vậy, tỷ lệ nợ nhảy nhóm sau cơ cấu và lỗ trong trường hợp phát sinh nợ xấu theo các ngân hàng là không cao.
Vì vậy, nợ xấu phát sinh mới kỳ vọng sẽ giảm dần trong các quý tới trong khi tỷ lệ LLR giảm trong Q1/2024 có thể một phần là do tác động của nợ xấu tăng cao trong tháng cuối quý (theo quy định là chưa phải trích lập).
Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực trong Q1/2024, hầu hết các ngân hàng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong vấn đề trích lập dự phòng cần thiết.
Nganh ngan hang: Duong hoi phuc gap ghenh
 
Tăng trưởng tích cực 
Trong quý 1 năm 2024, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết ghi nhận mức tăng gần 10% so với cùng kỳ, thể hiện một quý tương đối khởi sắc.
Đáng chú ý, trong nhóm các ngân hàng đặt mục tiêu LNTT trên 10 nghìn tỷ cho năm 2024 đi kèm tăng trưởng cao, thì đa phần lợi nhuận trong quý 1 vẫn theo đúng lộ trình. Về cấu trúc thu nhập, động lực chính cho tăng trưởng thu nhập là thu nhập thuần từ hoạt động cho vay, tăng khoảng 8,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thu nhập thuần từ cung cấp dịch vụ và thu nhập khác chỉ tăng nhẹ lần lượt là 2,1% và 1,4% so cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, các loại chi phí tăng vừa phải, với chi phí hoạt động tăng 6,5% so cùng kỳ và dự phòng tăng 5,7% so cùng kỳ.
Kỳ vọng về một năm tích cực hơn: Theo kế hoạch kinh doanh cho năm 2024 từ 25 ngân hàng niêm yết (ngoại trừ BIDV và VietinBank chưa công bố chính thức), tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm được kỳ vọng tăng khoảng 35,5% so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2021–2022.
Thông thường, đa phần các ngân hàng sẽ đặt mục tiêu vừa tầm với khả năng hoàn thành cao (các ngân hàng thường vượt mục tiêu của họ từ 3%–7% trong những năm trước), ngoại trừ năm 2023 là một trường hợp khá đặc biệt mặc dù đã lên kế hoạch khá thận trọng.
Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận bao gồm chi phí hoạt động ổn định, do hầu hết các ngân hàng đã ước tính chi phí đầu tư công nghệ và tinh giản nhân lực để tối ưu hóa chi phí. Trong khi chi phí dự phòng dù khó giảm trong năm 2024, nhưng đa phần các ngân hàng đã thích nghi với "bình thường mới“, nên lợi nhuận sẽ không chịu quá nhiều áp lực.
Ngoài ra, Thông tư 02 được gia hạn cũng như nhiều ngân hàng tái tận dụng công cụ trái phiếu đặc biệt (VAMC) nếu nhận thấy việc trích lập dự phòng trong thời gian dài hơn khi để trong nội bảng là cần thiết. Về phía thu nhập, tăng trưởng tín dụng ổn định và dự kiến NIM vẫn còn dư địa phục hồi là động lực tốt cho kỳ vọng tăng trưởng thu nhập, trong khi các nguồn thu nhập ngoài lãi đóng vai trò là nhân tố tiềm năng thúc đẩy lợi nhuận đối với các ngân hàng.
Ưu tiên tăng trưởng
Mặc dù kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi trong Q1/2024, nhưng bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng chung, thì áp lực từ các vấn đề như lạm phát và ổn định tỷ giá vẫn rất quan trọng. Đối với ngành ngân hàng, nhà điều hành vẫn cần cân bằng những mục tiêu này đồng thời kiểm soát chất lượng tài sản của ngân hàng. Các khó khăn vẫn đang tương đối nổi trội phần nào khiến nhà đầu tư thận trọng hơn.
Đối với ngành ngân hàng hay chỉ số nói chung, mặc dù hiệu suất đầu tư so với đầu năm là rất tích cực, tuy nhiên so với đỉnh xác lập vào cuối tháng 2 thì không quá đột phá, trong khi một số ngân hàng còn ghi nhận mức điều chỉnh tương đối. Diễn biến giá của ngành tích cực hơn so với mặt bằng chung (chỉ số) phản ánh triển vọng hồi phục của nhóm này tốt hơn so với đa phần các ngành khác. Tuy nhiên, việc nhóm nhà đầu tư ngoại liên tục rút ròng do nhiều yếu tố khách quan, cũng ảnh hưởng đến tiềm năng tăng giá của nhóm ngân hàng vì tỷ trọng sở hữu của khối ngoại trong ngành ngân hàng khá cao. Ngoài ra trong ngắn hạn, áp lực tỷ giá và lạm phát có thể ảnh hưởng tới quyết định can thiệp của NHNN bằng cách hút bớt thanh khoản trong nền kinh tế, phần nào ảnh hưởng đến triển vọng chung của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn.
Mặc dù triển vọng ngành ngân hàng vẫn còn nhiều ẩn số, Mirae Asset cho rằng vẫn có nhiều cơ hội đầu tư đối với nhóm ngành này. Những thay đổi mới trong Luật đất đai cho thấy rào cản tham gia thị trường bất động sản đối với các doanh nghiệp mới dần trở nên khó khăn hơn. Do đó, các ngân hàng có quan hệ đối tác chặt chẽ với các nhà phát triển bất động sản có lợi thế hơn trong tăng trưởng tín dụng đối với mảng khách hàng cá nhân (cho vay mua nhà) cả ngắn hạn và trung hạn như Techcombank, HDBank, MBB và VPBank.
Ngoài ra, khả năng tăng lãi suất dự kiến dẫn đến chi phí tín dụng cao hơn trong các quý tới, trong khi các ngân hàng vốn đã làm quen với chi phí tín dụng cao trong giai đoạn từ năm 2020, được kỳ vọng sẽ không có quá nhiều biến động như VPBank và VIB. Hai ngân hàng này còn có thêm lợi thế từ nền lợi nhuận thấp và định giá tương đối hấp dẫn, cũng là một cơ hội đầu tư đáng xem xét.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN