Theo Tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng heo hơi đạt 2,1 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Mặc dù các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa kiểm soát hoàn toàn dịch ASF, nhưng việc này không ảnh hưởng đáng kể đến tổng nguồn cung heo hơi. Việc triển khai tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.
Giá heo hơi đã giảm 25% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022 và bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều, tuy nhiên không đáng kể trong Q2/2022 mặc dù các trường học, nhà máy, nhà hàng và các hoạt động du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn. Giá heo hơi hiện tại đạt khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg (+10-15% so với đầu năm).
Giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành tăng lần lượt 26%/18%/25% so với đầu năm. Chi phí thức ăn đã tăng 20% so với đầu năm, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ảnh hưởng đến các trang trại thương mại vì thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi.
Mặc dù chính phủ đã giảm thuế MFN đối với lúa mì và ngô kể từ tháng 12/2021, nhưng vẫn không đủ để giữ lạm phát ở mức thấp trước những thách thức do xung đột Nga-Ukraine gây ra.
Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Với giá heo hơi chỉ khoảng 39.000 - 55.000 đồng/kg từ Q3/2021 đến Q2/2022, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không có lãi.
Kể từ khi mở cửa trở lại, nhu cầu chưa tăng mạnh. Dữ liệu của OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam đã giảm trước dịch Covid, từ 31,4kg/đầu người trong năm 2018 xuống còn 26,8kg/người trong năm 2022F.
Trong khi đó, với tổng số 28,2 triệu con heo dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn heo hơi trong năm nay, nguồn cung heo hơi khó có thể thiếu hụt. SSI Research dự báo giá heo hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết. Ước tính giá heo hơi sẽ đạt khoảng 65-70 nghìn đồng/kg trong nửa cuối năm 2022 (+30% so với cùng kỳ vì nửa cuối năm 2021 có mức nền thấp).
Về phía nguồn cung, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành đã giảm lần lượt -7%/- 30%/- 8% so với mức đỉnh. Ước tính chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong Q4/2022. Do đó, chi phí chăn nuôi sẽ giảm trong nửa cuối năm 2022, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm đến cuối năm. SSI Research kỳ vọng các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.
Trong Q1/2022, hầu hết các công ty trong ngành đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, với biên lợi nhuận thu hẹp hơn do chi phí tăng.
CTCP Dabaco (DBC) công bố doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng giảm 98% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 25,4% xuống 9,0% do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.
Mảng chăn nuôi của HPG ghi nhận lỗ trong Q1/2022, trong khi doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ. BAF công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm lần lượt là 38% và 6% so với cùng kỳ.
Về DBC, trong năm 2022, SSI Research ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 12,9 tỷ đồng (+19% so với cùng kỳ) và 698 tỷ đồng (-16% so với cùng kỳ), vì năm 2020 và 2021 đều ghi nhận mức nền cao.
Năm 2023, ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DBC lần lượt đạt 13,9 tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ) và 900 tỷ đồng (+29% so với cùng kỳ) với giả định giá heo hơi bình quân sẽ đạt 60.400 đồng/kg trong năm 2022 và 61.600 đồng/kg trong năm 2023.
Tại mức giá 26.300 đồng/cổ phiếu, DBC đang giao dịch ở mức P/E 2022 và 2023 lần lượt là 9,1x và 7,1x. SSI Research đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu DBC là 29.900 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 13,7%), và lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN.