Quay lại 5 năm trước, ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của VietBank đã thông qua việc mua tòa nhà Lim II với giá dự kiến là 1.400 tỷ đồng để làm trụ sở. Tới ngày 27/12/2019, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường của VietBank đã thông qua không đầu tư vào toà nhà Lim II, với lý do thủ tục kéo dài, đối tác chưa hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng.
Dù vậy, chỉ nửa năm sau, ĐHĐCĐ thường niên vào cuối tháng 5/2020 của VietBank lại một lần nữa chấp thuận mua một phần toà nhà Lim II. Phạm vi mua lúc này là 3 tầng hầm, tầng trệt đến tầng 11, tổng diện tích 18.713m2. Giá mua tài sản dự kiến là 1.340 tỷ đồng.
Ngày 10/8/2020, VietBank ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Lương Thạch để nhận chuyển nhượng một phần toà Lim II, giá chuyển nhượng là 1.340 tỷ đồng. Ngay ngày hôm sau, 11/8/2020, VietBank đã chuyển số tiền đặt cọc 1.100 tỷ đồng cho Lương Thạch. Ngân hàng nhận phí cam kết 8,25 tỷ đồng/ tháng, được trả hàng tháng. Thời gian thực hiện hợp đồng tối đa 12 tháng. Tuy nhiên tới ngày 10/8/2021, VietBank và Lương Thạch ký phụ lục hợp đồng, gia hạn thời gian thực hiện đến 10/8/2022.
Ngày 13/5/2021, VietBank và Lương Thạch tiếp tục ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần còn lại của toà Lim II (tầng 12-19), với giá chuyển nhượng 944 tỷ đồng, thời gian ký kết hợp đồng mua bán không quá 25/5/2023. Tương tự trước đó 1 năm, việc chuyển tiền cũng được thực hiện gấp rút. Chỉ một ngày sau, ngày 14/5/2021, VietBank đã chuyển tiền đặt cọc cho Lương Thạch 708 tỷ đồng, nhận phí cam kết 10%/năm, được trả hàng tháng.
Như vậy, VietBank đã đặt cọc tổng cộng cho Lương Thạch số tiền lên tới 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II; còn tổng giá trị của thương vụ là 2.284 tỷ đồng, cao hơn tới 884 tỷ đồng, tương đương 63% so với phương án đã bị huỷ bỏ trước đó.
Công ty TNHH Lương Thạch được thành lập đầu năm 2017, đóng trụ sở tại 29A Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM - chính là toà nhà Lim Tower III thuộc Tập đoàn Hoa Lâm.
Cập nhật tới tháng 5/2022, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 275 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là bà Nguyễn Thị Lai (nắm 96%) - một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Hoa Lâm. Nữ doanh nhân sinh năm 1974, quê Quảng Ngãi, ngoài Lương Thạch còn đứng tên tại Công ty TNHH TML Riversie, hay đáng chú ý, là phụ trách nhiều chi nhánh tại các tỉnh thành của Công ty TNHH Đầu tư Mai Tâm Anh - tổng đại lý của Công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott). Hoa Lâm Group, cần nhấn mạnh, là đối tác vận hành Vietlott cùng với Tập đoàn Berjaya Berhad của Malaysia.
Sau 5 năm, VietBank cho tới nay vẫn chưa thể mua lại toà nhà Lim II. Với động thái nhận lại tiền cọc vừa qua, tính nghiêm túc của các bên trong thương vụ này là một chủ đề đáng bàn.
Lưu ý là, Điều 140 Luật Các tổ chức tín dụng quy định TCTD không được chi quá 50% vốn điều lệ đầu tư vào tài sản cố định. Trong khi đó, khoản đặt cọc 1.808 tỷ đồng để mua toà Lim II, nếu cộng với tài sản cố định, thì số dư đã lên tới hơn 2.661 tỷ đồng vào cuối tháng 12/2022, xấp xỉ 56% vốn điều lệ của VietBank.
Theo Nghị quyết của HĐQT VietBank, dù nhận lại tiền cọc, song VietBank vẫn là bên được ưu tiên nhận chuyển nhượng toà nhà; trường hợp đến hết ngày 25/5/2023 và/ hoặc một thời điểm khác do hai bên thoả thuận mà VietBank không tiến hành nhận chuyển nhượng bất động sản và Công ty TNHH Lương Thạch đã chuyển trả tiền cọc, hai bên sẽ thoả thuận thanh lý Hợp đồng đặt cọc, Hợp đồng hứa mua, hứa bán.
Ở thương vụ Lim II, không khó để thấy Lương Thạch là bên hưởng lợi lớn, khi pháp nhân này đã được “cầm” 1.800 tỷ đồng trong suốt một thời gian dài, mà không cần tài sản đảm bảo, phương án sử dụng vốn, với lãi suất "nhẹ nhàng" so với mặt bằng chung, chỉ 9%/ năm với khoản 1.100 tỷ đồng và 10%/ năm với khoản 708 tỷ đồng.
Cả Lương Thạch lẫn VietBank đều nằm trong hệ sinh thái Hoa Lâm Group, và sự chi phối gần như tuyệt đối của nhà Chủ tịch Dương Nhất Nguyên tại VietBank phần nào giải thích tại sao dòng tiền từ nhà băng này dễ dàng chảy khắp và nuôi dưỡng hệ sinh thái Hoa Lâm suốt nhiều năm qua, sẽ được đề cập chi tiết trong một dịp khác.
Tại cuộc họp với các ngân hàng và tập đoàn bất động sản ngày 8/2 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các ngân hàng kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo,… cân đối tỷ trọng cấp tín dụng dư nợ BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng và sử dụng vốn, nhất là việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có dự án sân sau.