Ngân hàng thuộc diện nào bị đưa vào kiểm soát đặc biệt hoặc chuyển giao bắt buộc?

TGTTO Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây ban hành dự thảo thông tư quy định về việc kiểm soát đặc biệt (KSĐB) đối với Tổ chức tín dụng (TCTD), dựa trên những thay đổi của Luật các TCTD sửa đổi, theo đó xác định các trường hợp mất khả năng chi trả có thể đưa vào KSĐB và yêu cầu ghi giảm vốn điều lệ nếu phải chuyển giao bắt buộc.
4 trường hợp xác định nguy cơ mất khả năng chi trả
Cụ thể, dự thảo mới quy định cụ thể các tiêu chí định lượng để xác định TCTD mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả; mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán, làm cơ sở để NHNN xem xét, đặt TCTD vào KSĐB.
Theo đó, có 4 trường hợp được xem là mất khả năng chi trả, thứ nhất là TCTD không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 130 của Luật Các TCTD và phải sử dụng ngay các biện pháp tự xử lý ở mức 20% trở lên của tài sản có tính thanh khoản cao trong thời gian 03 tháng liên tục.
Thứ 2 là TCTD không thực hiện nghĩa vụ chi trả khoản nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Thứ 3 là TCTD có tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 theo quy định của NHNN thấp hơn 4% và tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn so với tổng nợ lớn hơn 5% trong thời gian 06 tháng liên tục. Và thứ 4 là TCTD mất khả năng thanh toán khi tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản thấp hơn 2% và không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời gian 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Ngan hang thuoc dien nao bi dua vao kiem soat dac biet hoac chuyen giao bat buoc?
Giải pháp chuyển giao bắt buộc có thể thay thế cho giải pháp mua 0 đồng trước đây. 
Được biết NHNN quy định tiêu chí xác định TCTD mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả; mất, có khả năng mất khả năng thanh toán dựa trên trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng các tiêu chí phân loại ngân hàng theo mức đủ vốn và khả năng thanh khoản của Ủy Ban Châu Âu về xử lý ngân hàng yếu kém, khái niệm doanh nghiệp mất khả năng thanh toán tại Luật Phá sản, nguyên tắc quản lý, xử lý việc không đảm bảo các tỷ lệ khả năng chi trả tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN và kết quả đánh giá sơ bộ tác động của các tiêu chí trên đến các TCTD.
Theo dự thảo, căn cứ kết quả thanh tra, giám sát của NHNN và theo đề nghị của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi TCTD đặt trụ sở chính (NHNN chi nhánh) hoặc Ban Kiểm soát đặc biệt, Thống đốc NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào KSĐB dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện quy định.
Giám sát đặc biệt là hình thức kiểm soát đặc biệt được thực hiện thông qua việc NHNN áp dụng các biện pháp giám sát hoạt động hàng ngày của TCTD. Kiểm soát toàn diện là hình thức KSĐB được thực hiện thông qua việc NHNN áp dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp, toàn diện hoạt động hàng ngày của TCTD.
Ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng chuyển giao bắt buộc
Ngoài ra, đối với ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc, NHNN yêu cầu NHTM được chuyển giao bắt buộc lập và gửi NHNN báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh hợp nhất cho kỳ kế toán tính từ thời điểm xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 151a Luật Các TCTD đến ngày cuối cùng của tháng liền trước thời điểm Ban KSĐB đề nghị ghi giảm vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc.
Căn cứ báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh hợp nhất của NHTM được chuyển giao bắt buộc, kết quả xác định giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức kiểm toán độc lập quy định tại khoản 2 Điều 151a Luật các TCTD, NHNN ghi giảm vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc tại Quyết định chuyển giao bắt buộc. Theo đó, thời điểm ghi giảm vốn điều lệ là thời điểm Quyết định chuyển giao bắt buộc có hiệu lực thi hành.
Trường hợp giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ theo xác định của tổ chức kiểm toán độc lập quy định tại khoản 2 Điều 151a Luật Các TCTD và kết quả kinh doanh theo báo cáo của NHTM được chuyển giao bắt buộc âm, NHNN ghi giảm vốn điều lệ của NHTM được chuyển giao bắt buộc về bằng 0.
Thời hạn KSĐB của TCTD do Thống đốc NHNN (đối với TCTD không phải là quỹ tín dụng nhân dân) hoặc Giám đốc NHNN chi nhánh (đối với TCTD là quỹ tín dụng nhân dân) quy định trong Quyết định KSĐB.
Thành phần, số lượng, cơ cấu Ban KSĐB tại Dự thảo Thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định tại Thông tư 07. Ngoài ra, Dự thảo Thông tư có bổ sung quy định: Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt có thể là Chánh Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh hoặc Phó Chánh Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh.
Theo Thế giới tiếp thị

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN