Thanh khoản ổn định, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt
Báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố của Cty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho biết, ngoại trừ 5.000 tỉ đồng tín phiếu được bán ra trong phiên giao dịch ngày 16.4, không có giao dịch mới nào phát sinh trên thị trường mở trong cả tuần qua.
Kênh OMO vẫn duy trì số dư bằng 0 trong khi kênh tín phiếu có 10.200 tỉ đồng đến hạn khiến số dư tín phiếu giảm về 5.000 tỉ đồng.
Tính chung lại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 5.200 tỉ đồng, lượng bơm ròng lũy kế 2 tuần qua là 11.806 tỉ đồng – xấp xỉ lượng đã hút ròng trong tuần đầu tháng 4.
Bên cạnh đó, lượng tiền gửi tăng thêm từ Kho bạc Nhà nước và việc tiếp tục bán USD về NHNN đã hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
Lãi suất liên ngân hàng đã giảm liên tục từ mức 4.37%/năm xuống 4.07%/năm với kỳ hạn qua đêm, từ 4.4%/năm xuống 4.12%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Lãi suất huy động khó giảm
Trên thị trường 1, lãi suất huy động duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng quý I/2019 là 3,19%, thấp hơn so với quý I/2018 là 3,56%, do yếu tố mùa vụ và các chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động vẫn sẽ được giữ ở mức hiện tại vì 3 nguyên nhân chính: Một là với định hướng tăng trưởng tín dụng 12-14%, các ngân hàng thương mại vẫn cần nguồn để cho vay khách hàng.
Hai là việc đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân với lãi suất tốt hơn sẽ là cơ sở để các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất huy động hiện tại.
Ba là nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%”, một chuyên gia của SSI cho biết.
Dù lãi suất huy động duy trì ở mặt bằng mới cao hơn từ 0,5-0,7%/năm trong 5 tháng gần đây nhưng thực tế lãi suất cho vay vẫn giữ ổn định ở mức 6-9% với kỳ hạn ngắn và 9-11% với trung và dài hạn, đặc biệt các ngân hàng thương mại nhà nước còn giảm 0,5% với một số lĩnh vực ưu tiên.
"Nếu mặt bằng lãi suất huy động không có những đột biến lớn, lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định, các ngân hàng thương mại sẽ thích ứng bằng cách điều chỉnh cơ cấu dự nợ, phát triển dịch vụ và tăng hiệu quả quản lý chi phí để gia tăng lợi nhuận", chuyên gia SSI nhận định.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Theo khảo sát của PV báo Lao Động tại 30 ngân hàng thương mại, trong tháng 4.2019, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên trên 8%/năm cho các kì hạn trên 12 tháng.
Tại kì hạn 9 tháng, lãi suất ngân hàng cao nhất hiện là SCB hiện đang niêm yết ở mức 7,95% với khoản tiền gửi tiết kiệm online.
Tại kì hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại các ngân hàng có sự khác biệt rõ rệt, chênh lệch tới hơn 2%. Ngân hàng có lãi suất cao nhất kỳ hạn 6 tháng hiện nay là 7,8%.
Hiện mức lãi suất ngân hàng cao nhất kỳ hạn 3 tháng là 5,5%. Đây là mức chạm trần lãi suất cho phép của Ngân hàng nhà nước. Theo khảo sát, có tới 12/30 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết mức lãi suất huy động gửi tiết kiệm ở mức này.