Trong bối cảnh đồng USD nhảy vọt (8,1%) trong khi đồng CNY giảm mạnh (2,4%) trong 2 tuần qua, tâm lý trên trường ngoại hối của Việt Nam cũng xáo trộn, khiến tỷ giá USD/VNĐ (giao dịch giữa các ngân hàng) tăng mạnh lên 23.650 đồng tính đến chiều ngày 23/3 (VND trượt giá 1,9% tính từ ngày 09/3 và 2% tính từ đầu năm đến nay).
Do đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết sẵn sàng bán USD – thậm chí với quy mô lớn – ra thị trường nếu cần thiết.
Ông cho biết, từ đầu năm 2020 cho đến trước Tết nguyên đán, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỷ giá thị trường khá ổn định, NHNN tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ tăng Dự trữ ngoại hối.
Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 nhưng tỷ giá biến động không quá lớn, một số ngày tỷ giá giảm về sát tỷ giá mua của NHNN và TCTD tiếp tục bán ngoại tệ cho NHNN.
Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, tỷ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Theo ông, nguyên nhân của việc tỷ giá tăng trong thời gian qua là do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá.
Mặc dù Ngân hàng trung ương các nước đã liên tục có các động thái chính sách để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng các chính sách này cần có độ trễ trước khi tác động hiệu quả tới thị trường.
Cùng với xu hướng đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước.
Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được TCTD đáp ứng đầy đủ.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, NHNN đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, NHNN sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết tại mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay với quy mô lớn, dưới hình thức giao ngay và kỳ hạn (nếu cần) để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), điều này cho thấy tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh do các ngân hàng găm giữ USD do kỳ vọng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng, chứ không phải do nhu cầu gia tăng hay thiếu hụt nguồn cung USD trên thị trường ngoại hối.
VCSC kỳ vọng công bố từ NHNN sẽ giúp tâm lý thị trường hạ nhiệt. Một mặt, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên thị trường chứng khoán trong 30 phiên giao dịch liên tiếp (tính từ ngày 11/2), với tổng giá trị bán ròng đạt 9,7 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Mặt khác, thặng dư thương mại được ghi nhận ở mức 2,76 tỷ USD tính đến ngày 15/3 (so với mức 400 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái) trong khi giải ngân FDI đạt 2,5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 (giảm 5% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, NHNN đã mua khoảng 4,5 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 83 tỷ USD, tương ứng với 31% GDP và 3,6 tháng nhập khẩu (so với mức thấp hơn 15% GDP và chỉ 1,8 tháng nhập khẩu trong năm 2015). Dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong thời gian qua sẽ giúp NHNN gia tăng khả năng bình ổn thị trường ngoại tệ, nếu cần thiết.
VCSC không kỳ vọng mức biến động tỷ giá sẽ tương tự giai đoạn trước 2016 (2008-2011: đồng VNĐ trượt giá trong khoảng 5%-9% mỗi năm, 2016: đồng VNĐ giảm 4,6%) nhờ cơ chế điều hành tỷ giá mới áp dụng từ đầu 2016 (công bố tỷ giá trung tâm tham chiếu hằng ngày), nhiều chính sách hạn chế đầu cơ ngoại tệ đã ban hành từ cuối năm 2015 và dự trữ ngoại hối tăng đáng kể trong thời gian gần đây.