Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất 9 tháng?

9 tháng 2023, bức tranh nợ xấu ngành ngân hàng có nhiều biến động khi tiếp tục tăng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại.
Tăng trưởng tín dụng ngành Ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 chậm, đạt mức 6,92% do tăng trưởng kinh tế kém khả quan và có sự phân hóa lớn về tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng.
Tăng trưởng tiền gửi trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 5,8% nhìn chung phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng, chủ yếu đến từ tiền gửi cá nhân. Trong đó, HDBank và VPBank có mức tăng trưởng tiền gửi cao vượt trội so với các ngân hàng khác do nhu cầu chuẩn bị nguồn vốn nhằm đáp ứng mức tăng trưởng tín dụng dự kiến cao hơn trong những tháng tới. 
Còn về nợ xấu, theo báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng nợ xấu tăng 52% so với đầu năm lên hơn 210.000 tỷ đồng. Trong đó, có 19 ngân hàng có nợ xấu tăng trưởng hai chữ số, 6 ngân hàng nợ xấu ba chữ số so với thời điểm cuối năm trước, không có ngân hàng nào có nợ xấu giảm. Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu tính chung ở mức 2,25%, tăng 0,63 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2022.
Ngan hang nao co ty le no xau cao nhat 9 thang?
 
Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt trội trên mức 3% gồm NCB, VPBank, VietBank, BaoVietBank, OCB, VIB, BVBank, ABBank, và SHB.
Trong đó, NCB có tỷ lệ nợ xấu tăng 8,4 điểm %. Mặc dù tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức 7,1% song lợi nhuận sau thuế lũy kế giảm 47 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý 3 chỉ ghi nhận lãi 7 tỷ đồng.
Á quân trong danh sách tỷ lệ nợ xấu cao là VPBank với 5,74% nhưng chỉ nhích 0,01 điểm % so với mức 5,73% của cuối 2022. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ VPBank trong quý 3 tăng mạnh hơn 22% so với đầu năm, lên hơn 488 nghìn tỷ đồng.
VietBank cũng là nhà băng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,65% đầu năm lên 4,06% trong bối cảnh cho vay khách hàng cũng tăng 12%. Còn lợi nhuận của VietBank trong 9 tháng qua cũng sụt giảm 22% so cùng kỳ về mức 419 tỷ đồng và mới đạt 44% kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Đây là 3 gương mặt có tỷ lệ nợ xấu nổi trội trên mức 4%, còn ở trong khoảng 3% kỳ này xuất hiện khá nhiều cái tên ngoài BaoVietBank (3,98%) vẫn duy trì trên mức này thì còn có OCB (3,74%), VIB (3,68%), BVBank (3,56%), ABBank (3,51%) và SHB (3,21%).
Ngược lại, Bac A Bank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất khi ở mức 0,77% dù vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2022.
Còn nằm trong mức 1% đến dưới 2% có ACB, Vietcombank, Techcombank, VietinBank, BIDV, VietABank, SeABank và MB.
Tiến lên mức trên 2% đến dưới 3% gồm có KienLongBank, Sacombank, SaigonBank, HDBank, PG Bank, Eximbank, LPBank, NamABank, MSB và TPBank.
Cũng cần lưu ý, nếu so với thời điểm quý 2/2023, vẫn có 7 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu cải thiện, bao gồm VietABank, Saigonbank, PG Bank, Eximbank, ABBank, BaoViet Bank và VPBank.
Nhìn chung, chỉ số nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 3/2023 nhưng mức tăng đã có dấu hiệu chậm lại, trong đó các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ có chất lượng tài sản suy giảm nhiều nhất. Các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ở mức thấp. Việc sử dụng bộ đệm dự phòng đã giúp giảm thiểu áp lực phí dự phòng trong bối cảnh chất lượng tài sản ngày càng suy giảm trong quý 3/2023.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN