Vốn hóa đã “bay hơi” gần 3.000 tỷ sau 2 năm lên sàn
646 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank, LPB) lên giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 5/10/2017 với mức giá đóng cửa phiên đầu là 14.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 9.173 tỷ đồng.
Sau gần 1 năm quanh quẩn ở mức 11.000 đồng/cổ phiếu thì LPB bắt đầu “chìm” dưới mệnh giá từ tháng 8/2018 đến nay.
Chốt phiên ngày 18/12, cổ phiếu LPB đóng cửa tại mức giá 7.200 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức giảm hơn 22% trong vòng năm qua và là con số thấp nhất từ khi lên sàn.
Nghĩa là bất chấp tăng thêm hàng trăm triệu cổ phiếu lưu hành nhưng vốn hóa của LPB vẫn "bay hơi" hơn 2.778 tỷ đồng chỉ sau 2 năm lên sàn, tức hơn 30% giá trị.
|
Biến động cổ phiếu LPB từ khi lên sàn UPCoM đến nay (nguồn Vietstockfinance)
|
Mức giá cao nhất trong năm mà LPB đạt được cũng chỉ tới con số 9.700 đồng/cp trong phiên ngày 18/3, vẫn chưa thoát ra khỏi được dưới mệnh giá.
Mặc dù mức giá cổ phiếu được coi là thấp, song LPB cũng không thu hút nhà đầu tư khi khối lượng giao dịch bình quân chỉ hơn 533 ngàn đơn vị mỗi phiên so với tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành là hơn 888 triệu cổ phiếu.
Chưa kể, LPB vẫn còn lời hứa với cổ đông là đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán HoSE nhưng năm 2019 chưa hề có động tĩnh gì. Như vậy, thời hạn để LPB chuyển sàn chỉ còn 1 năm trong bối cảnh cổ phiếu vẫn cứ èo uột dưới mệnh giá thì liệu có khả quan?
Lợi nhuận tăng trưởng không ổn định
Cổ đông lớn của LPB chính là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) với tỷ lệ sở hữu 10,15% vốn.
VietnamPost rót vốn vào LPB hồi tháng 7/2011 với mục địch tận dụng hệ thống bưu cục rộng khắp trên cả nước để trở thành ngân hàng có hệ thống giao dịch lớn nhất Việt Nam.
Theo đó, hiện LPB có tới gần 550 chi nhánh/ phòng giao dịch, gần 1.000 phòng giao dịch bưu điện và quyền khai thác hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện dịch trải khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đây chính là cơ hội hay thách thức thì vẫn chưa có lời đáp dù phải thừa nhận rằng, những phòng giao dịch chuyển đổi có tiềm năng đưa thương hiệu LPB phủ sóng toàn quốc, một yếu tố quan trọng đối với một ngân hàng chỉ vừa được thành lập từ năm 2008.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công việc chuyển đổi là một nhiệm vụ lớn đòi hỏi ngân hàng phải nâng cấp cơ sở vật chất và quan trọng hơn là đào tạo nhân viên nhằm đạt được các tiêu chuẩn dịch vụ mong muốn.
Do đó, kết quả đạt được của LPB chưa có bước đáng kể về thu hút vốn huy động trong vài năm qua sau khi thâu tóm hệ thống bưu điện, thậm chí trong quý 3/2019 đã có xu hướng sụt giảm về còn 11.773 tỷ đồng.
Ngoài ra, soi kỹ tình hình kinh doanh của LPB mới thấy, lợi nhuận của nhà băng này tăng trưởng không ổn định và rất thất thường.
Nếu như quý 1/2018 lãi ròng tới 417 tỷ đồng thì sang quý 2 cùng năm lao dốc xuống còn 129 tỷ đồng. Sang quý 3/2018 "ngoi" lên được 280 tỷ đồng thì lại tụt xuống 133 tỷ đồng vào quý liền sau đó là 4/2018.
Tương tự cho 3 quý 2019, khi quý 1 đạt 410 tỷ đồng lãi ròng và ghi nhận tăng trưởng quý liền sau lên 487 tỷ đồng thì quý gần đây 3 lại giảm xuống 413 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận bất ổn định, song tình hình nợ xấu của LPB vẫn ngày một tăng từ 1,41% của cuối quý 1/2019 thì lên 1,47% cuối quý 3/2019. Tương ứng với nợ xấu là 1.990 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm chủ yếu với 1.121 tỷ đồng.
Đặt trong bối cảnh các nhà băng khác liên tục ghi nhận sự tăng trưởng qua các quý thì LPB lại gần như giậm chân tại chỗ.
Vẫn là câu chuyện khó tăng vốn
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của LPB giậm chân tại chỗ chính là việc khó tăng vốn.
Hồi cuối năm 2018, LPB thông báo phát hành khoảng 240 triệu cổ phiếu LPB với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, cổ phiếu LBP chỉ giao dịch quanh mức 9.000 đồng/cp, thấp hơn 10% so với giá bán ra. Vì vậy, ngân hàng chỉ bán ra thành công 55 triệu cổ phiếu và dư tới 182 triệu cổ phiếu.
Dù vậy, LPB vẫn đặt mục tiêu tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng tại đại hội cổ đông hồi tháng 4/2019, nhưng kế hoạch vẫn dở dang.
Cụ thể, nhà băng này mới chỉ tăng vốn lên được tới mức 8.881 tỷ đồng bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu và sau đó đã phát hành 3.100 tỷ đồng trái phiếu nhằm tạo ra dư địa tăng trưởng cho vay.
Với mục tiêu vốn đạt con số gần 10.000 tỷ, thì tổng tài sản năm 2019 của LPB tương ứng đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 đạt 165.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ đồng.
Đã hết chặng đường năm 2019 nhưng kế hoạch tăng vốn của LPB chưa thành thì liệu những chỉ tiêu tiếp đó có đạt được?
Việc hoàn thành của LPB trong năm 2019 tính đến thời điểm này chính là được phê duyệt áp dụng Basel 2 vào tháng cuối cùng của năm.