Agribank vừa cho biết, đến 30/11/2019, tổng tài sản đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt trên 1.2 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế gần 1,1 triệu tỷ đồng.
Doanh thu phí dịch vụ tiếp tục có kết quả tốt khi lũy kế 11 tháng đạt gần 6.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 11.700 tỷ đồng, ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục mà Agribank đạt được từ trước đến nay. Trước đó, lợi nhuận 10 tháng đầu năm 2019 của Agribank đạt trên 10.350 tỷ đồng.
Được biết, mục tiêu lợi nhuận năm 2019 của Agribank ban đầu được xác định là 10.000 tỷ đồng, sau đó nâng lên 11.000 tỷ. Như vậy, 11 tháng Agribank đã vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm.
Đối với ABBank, lợi nhuận trước thuế 11 tháng đạt 1.107 tỷ đồng, bằng 91% kế hoạch năm. Tổng tài sản đạt 94.259 tỷ đồng, tăng 4.021 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức 1,8%.
Ngoài ra, ABBank đã thực hiện được 90% kế hoạch dư nợ tín dụng khi đạt 55.221 tỷ đồng. Huy động cũng đạt 87% kế hoạch với 71.847 tỷ đồng.
Sacombank ước lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt gần 3.200 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch. Tổng tài sản dự kiến đạt 457.000 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 196.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống còn 1,75%.
|
Nhiều ngân hàng có lợi nhuận cao |
Còn lãnh đạo VietinBank thì cũng tiết lộ lợi nhuận sẽ đạt, thậm chí có khả năng vượt kế hoạch năm đã được cổ đông giao phó là 9.500 tỷ đồng. Dù nhà băng này còn có những khó khăn nhất định trong quá trình tăng vốn nhưng vẫn đang tái cấu trúc hệ thống, chuyển đổi mô hình kinh doanh từ tập trung tăng trưởng quy mô sang cải thiện mạnh mẽ về hiệu quả hoạt động của toàn ngân hàng, đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng, cổ đông và người lao động VietinBank.
Dù chưa tiết lộ về con số lợi nhuận ước cả năm, song có lẽ nhà đầu tư cũng đoán dược Vietcombank sẽ cán đích lợi nhuận cả năm khi mà 9 tháng đã đạt 17.250 tỷ đồng trước thuế, tăng 52% so cùng kỳ và đạt 85,4% kế hoạch năm 2019.
Với cơ sở khách hàng lớn là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam cũng như các tập đoàn đa quốc gia, đã và sẽ giúp ngân hàng có mức phí môi giới ngoại hối vượt trội. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Vietcombank sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận trung bình mạnh mẽ từ giao dịch ngoại hối đạt 159 triệu USD trong giai đoạn 2019-2020 (đóng góp 29,8% cho thu nhập ngoài lãi và 7,3% cho tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh).
Thêm vào đó, Vietcombank đã ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với FWD, và khả năng thương vụ này sẽ đem lại 400 triệu USD lợi nhuận cho nhà băng này.
VCSC cho rằng, Vietcombank đang đi đúng tiến độ trở thành doanh nghiệp niêm yết đầu tiên tiếp cận với mức lợi nhuận trước thuế là 2 tỷ USD tới năm 2022.
Với lợi nhuận đạt được hầu hết đều vượt kế hoạch năm đề ra, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay chi thưởng cao trong Tết dương cũng như Tết âm sắp tới. Theo chia sẻ của các nhân viên ngân hàng thì mức thưởng tết nằm trong khoảng từ 1 triệu đến 1 tháng lương trong dịp Tết dương này.
Trên một diễn đàn ngân hàng, nhiều tài khoản tiết lộ rằng, thưởng Tết dương lịch ở Sacombank là lương tháng 13 cộng thêm 1 triệu đồng nhân dịp sinh nhật nhà băng này. Vietinbank thưởng 2 tháng lương cộng với 2 triệu đồng.
Đặc biệt hơn, ngân hàng V được chia sẻ là thưởng rất nhiều tháng lương, vượt trội hơn hẳn so với các nhà băng khác.
Các ngân hàng như A, L K đều áp dụng mức thưởng bình quân 1 tháng lương. “Chạnh lòng” hơn thì có ngân hàng S, N, D, C chỉ thưởng vài triệu đồng trong dịp Tết dương, còn Tết âm lịch mới đưa ra mức thưởng từ 1-2 tháng lương.