Theo đó, đối tượng có thể sử dụng hình ảnh lãnh đạo cấp cao của SHB hoặc tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Tài chính, tiếp cận, mời chào vay vốn với nhiều ưu đãi để thu hút khách hàng (cam kết hỗ trợ ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản (không qua thẩm định), giải ngân trong vòng 1 giờ, hạn mức cho vay lớn lên đến 200 triệu đồng, lãi suất thấp…).
Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay và đăng nhập ứng dụng để nhận giải ngân.
Tuy nhiên, khách hàng sẽ nhận được thông báo lỗi giải ngân và được yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay (như: phí sửa thông tin sai/ phí “trôi” hồ sơ/ phí hỗ trợ giải ngân – cam kết sẽ trả lại).
Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, đối tượng còn sử dụng con dấu giả trên các thông báo yêu cầu khách hàng nộp tiền. Sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ được thông báo chờ một thời gian để tiền về.
"Nhưng thực tế khách hàng sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân và mất toàn bộ số tiền đã nộp theo yêu cầu" - SHB cho biết.
SHB khẳng định, ngân hàng không nhận hồ sơ vay vốn qua mạng, không yêu cầu khách hàng nộp phí xử lý khoản vay.
Khi nhận được thông tin, khách hàng nên lưu trữ thông tin về đối tượng lừa đảo (tên, số điện thoại, ảnh chụp nội dung trao đổi) để có cơ sở trình báo cơ quan chính quyền khi có dấu hiệu lừa đảo.
Đồng thời, SHB khuyến nghị khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch tín dụng trên các link, website lạ về cho vay online nhận được qua điện thoại, tin nhắn, email, website quảng cáo.
Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo. Không thực hiện nộp tiền/chuyển khoản để làm thủ tục vay tiền theo yêu cầu của bất cứ ai. Không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản và vay nợ ngân hàng.
Khách hàng cần liên hệ trực tiếp các điểm giao dịch của SHB khi có nhu cầu vay vốn.