Nếu "hốt bạc" từ vụ Phan Sào Nam, VTC Online có phải trả lại tiền?

Vụ việc Phan Sào Nam đánh bạc xuyên quốc gia vẫn đang làm dấy lên hàng loạt câu hỏi, băn khoăn, thắc mắc. Trong đó, có ý kiến nghi vấn: Nếu có liên đới đến Phan Sào Nam thì VTC Online có bị thu hồi nguồn thu sai phạm?
Mối quan hệ của Phan Sào Nam - 1 trong 2 “ông trùm” cầm đầu đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ gây chấn động dư luận - với VTC Online là công ty cũ vẫn đang được dư luận quan tâm và đặt nhiều câu hỏi. Có ý kiến nêu nghi vẫn: Giả thiết VTC Online có liên đới đến vụ Phan Sào Nam đánh bạc và công ty này có nguồn thu từ hoạt động phi pháp này thì VTC Online có bị thu hồi nguồn thu này cho Nhà nước hay không?
Công cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online - công ty cũ của Phan Sào Nam. Ảnh: Internet. 
Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức có cuộc trao đổi nhanh với Ths. Ls Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Theo Ths. Ls Đặng Văn Cường, về nguyên tắc chung của pháp luật thì tang vật vụ án phải được thu hồi để xử lý vật chứng theo quy định pháp luật. Tài sản do phạm pháp mà có thì phải tịch thu để trả lại cho người bị hại hoặc sung công quỹ Nhà nước. Nếu tài sản do phạm pháp mà có hoặc vật chứng vụ án là vật đặc định thì bắt buộc phải thu hồi để trả lại cho chủ sở hữu hoặc sung công quỹ Nhà nước.
Còn nếu tài sản do phạm pháp mà có, vật chứng vụ án là vật cùng loại (như tiền bạc) mà đối tượng phạm tội đã sử dụng số tiền đó vào một giao dịch hợp pháp như trả nợ, nộp thuế… Nay số tiền đó đã nhập kho, đưa vào lưu thông không thể tìm ra thì sẽ không bị truy thu.
Do đó, Ths. Ls Đặng Văn Cường nhận định: “Nếu có căn cứ xác định một khoản tiền cụ thể, hiện đang tồn tại của VTC Online là do phạm pháp mà có, có nguồn gốc từ vụ án nêu trên thì mới có thể bị thu hồi.
Còn nếu không xác định được nguồn gốc thu nhập có phải là tài sản phạm pháp hay không hoặc số tiền phạm pháp đã đưa vào lưu thông, tham gia giao dịch khác thì không thể thu hồi được".
Cũng theo Luật sư Cường thì mọi việc vẫn đang trong vòng điều tra và chỉ sáng tỏ khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Trước đó, như các phương tiện báo chí đã đưa tin, Phan Sào Nam chính là một trong những thành viên sáng lập VTC online vào năm 2008 đồng thời ngồi chiếc ghế quyền lực nhất tại một trong những doanh nghiệp kinh doanh nội dung số hàng đầu của Việt Nam thời kỳ đó.
Dưới thời của "ông trùm" Phan Sào Nam, công ty này đã nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực giải trí số (trò chơi trực tuyến) khi đó.
Cuối năm 2016, báo cáo tài chính của VTC online vẫn ghi nhận Phan Sào Nam giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ảnh: Người Đưa Tin.
Phan Sào Nam cho đến ngày 21/7/2017 còn nắm giữ hơn 100.000 cổ phần tại VTC online, chiếm 4,3% vốn điều lệ. Ảnh: Người Đưa Tin.  
Lợi nhuận của VTC Online giai đoạn trước 2012 cũng ghi nhận đà tăng ổn định, đạt mức xấp xỉ 40 tỷ đồng.
Giữa năm 2012, Phan Sào Nam trở nên nổi tiếng khi là người "dẫn mối" cho khoản đầu tư 10 triệu USD từ DWS Việt Nam vào VTC Online, thông qua Công ty quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore và công ty này trở thành cổ đông chiến lược của VTC online từ đó.
Theo báo Người Đưa Tin, cho tới cuối năm 2016, báo cáo tài chính của VTC Online vẫn ghi nhận Phan Sào Nam là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tuy nhiên đến giữa năm 2017 thì các văn bản giấy tờ của đơn vị này chỉ còn ghi nhận ông Nam là thành viên HĐQT, cổ đông góp vốn với tỷ lệ cổ phần 4,3%.
Bảo Ngọc

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN