Nam A Bank chiếm giữ tài sản thế chấp của khách hàng?

Nam A Bank có dấu hiệu vi phạm pháp luật, “phớt lờ” ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng, chiếm giữ tài sản thế chấp của khách hàng.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2015, bà Đ.T.H. (trú tại tỉnh Bình Định) có dùng 2 bất động sản tại phường Xương Huân, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà gồm: Nhà và đất tại số 61 Phan Bội Châu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 858797; Nhà và đất tại số 10 Lê Lợi, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 5110113, để bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Thuỷ Anh tại Ngân hàng TMCP Nam Á- Chi nhánh Nha Trang (Nam A Bank).
Nam A Bank chiem giu tai san the chap cua khach hang?
 Nam A Bank có dấu hiệu vi phạm pháp luật?.
Theo xác nhận từ phía Nam A Bank, các khoản vay trên đều đã được tất toán từ năm 2017. Mặc dù bà H. đã rất nhiều lần làm việc và có văn bản yêu cầu Nam A Bank trả lại bản chính hồ sơ nhà đất (tài sản thế chấp).
Tuy nhiên đến nay ngân hàng này vẫn chưa giao trả lại các tài sản thế chấp cho bà H. để thực hiện việc xoá đăng ký thế chấp theo quy định pháp luật.
“Nam A Bank đã vi phạm và xem thường pháp luật: lạm dụng tín nhiệm của ngân hàng để công nhiên chiếm giữ trái phép tài sản của tôi và không hoàn thành nghĩa vụ thực hiện thủ tục xoá đăng ký thế chấp theo quy định, điều này đã tạo tiền lệ xấu đối với ngành tài chính, ngân hàng.
Hay nói một cách đơn giải là Nam A Bank nhận thế chấp, phong toả tài sản của dân nhưng không giải chấp và chiếm giữ luôn các tài sản này”, bà H. chia sẻ.
Không những vậy, Nam A Bank còn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, ngày 18/2/2020 Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hoà có công văn số 91/VPĐKĐĐ-NV gửi Nam A Bank – chi nhánh Nha Trang về việc xử lý Đơn đề nghị việc xoá đăng ký thế chấp tại số 61 Phan Bội Châu và số 10 Lê Lợi của bà H.
Theo đó, căn cứ khoản 3 Điều 321 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định quyền của bên thế chấp: Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được đảm bảo bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp đảm bảo khác”
Còn theo Khoản 1, điều 322 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên nhận thế chấp: Trả lại giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thoả thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp…
“Từ các căn cứ trên và theo nội dung đơn trình bày của bà H., Nam A Bank – Chi nhánh Nha Trang có trách nhiệm phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà H. tại số 61 Phan Bội Châu và số 10 Lê Lợi sau khi nghĩa vụ được đảm bảo bằng chế chấp chấm dứt”, trích nội dung công văn của Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hoà.
Đến ngày 30/3/2020 Nam A Bank vẫn “phớt lờ” ý kiến của Văn phòng Đăng ký Đất đai Khánh Hoà. Do đó Văn phòng Đăng ký Đất đai Khánh Hoà tiếp tục ký công văn số 237/VPĐKĐĐ- NV gửi Nam A Bank chi nhánh Nha Trang với nội dung: “Để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp theo quy định của pháp luật, Văn phòng Đăng ký đề nghị Nam A Bank - chi nhánh Nha Trang trả lại cho bà H. 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp và được Nam A Bank- Chi nhánh Nha Trang xoá thế chấp. Thời gian hoàn thành trước ngày 7/4/2020”.
Đến nay đã quá hạn (so với ngày 7/4/2020) hơn 1 tháng nhưng phía Nam A Bank vẫn “im hơi lặng tiếng” không một lời hồi âm và giải quyết quyền lợi cho bà H.
Ngày 7/5, bà H. tiếp tục có Đơn yêu cầu lần thứ 3 gửi UBND tỉnh Khánh Hoà và Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hoà yêu cầu hướng dẫn, giải quyết cho bà được xoá đăng ký thế chấp và cấp lại hoặc cấp phó bản 2 giấy chứng nhận tài sản nêu trên theo quy định. Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Theo PV/Báo Đất Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN