Tài sản đồ sộ của bà Tư Hường
Bà Trần Thị Hường (1936 - 2017, quê Bình Định) là một trong những nữ doanh nhân thế hệ đầu của Việt Nam. Bà Tư Hường được biết đến là người sáng lập và lãnh đạo Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á (Nam Á Bank).
Với tinh thần kinh doanh miệt mài, bà Tư Hường đã gây dựng được tên tuổi lẫy lừng trên thương trường, trở thành nữ doanh nhân hàng đầu đất nước.
Từ những năm 80, bà Tư Hường đầu tư vào buôn bán thủy sản, trầm hương, gỗ. Đầu những năm 90, doanh nghiệp của bà rất phát đạt từ nghề gỗ.
Sự nghiệp phất nhanh như “diều gặp gió” khi bà đầu tư xây dựng nhà máy đồ uống, nước giải khát rồi bán cho tập đoàn nước ngoài. Nổi bật các thương vụ lãi hàng triệu đô khi xây nhà máy rồi bán như Bia Khánh Hòa (bán cho San Miguel), Nhà máy Sài Gòn Cola (bán cho Coca Cola), Nhà máy nước tăng lực Lipovitan.
Năm 1993, bà Tư Hường thành lập Tập đoàn Hoàn Cầu, mũi nhọn đầu tư là bất động sản, vật liệu xây dựng. Năm 2010, Tập đoàn Hoàn Cầu ký kết hợp tác với Tập Đoàn Deawoo (Hàn Quốc) thành lập Công ty TNHH liên doanh phát triển nhà Daewon - Hoàn Cầu, xây dựng dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu.
Hoàn Cầu cũng đầu tư Quần thể nghỉ dưỡng Quốc Tế Diamond Bay City, TTTM và Khách sạn Hoàn Cầu - 20 Trần Phú-Nha Trang và hàng chục dự án khác tại Nha Trang với quỹ đất lên tới 1.600 ha.
|
Nữ doanh nhân Tư Hường khi còn sống. |
Hiện, Tập đoàn Hoàn Cầu hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực như: Tài chính ngân hàng, khách sạn, truyền thông, giáo dục. Các dự án nổi tiếng của tập đoàn như: Khu căn hộ cao cấp Cantavil Hoàn Cầu, Diamond Bay Golf & Villas, Diamond Bay Resort & Spa, Diamond Bay Condotel Resort, Nhà hát Crown Convention.
Ông Nguyễn Quốc Toàn giữ vai trò gì tại Nam Á Bank?
Thông tin trên nhiều tờ báo cho biết, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam Á Bank) cũng thuộc sở hữu của bà Tư Hường. Theo số liệu năm 2007, bà Tư Hường nắm giữ 13,09% cổ phần; chồng bà là ông Nguyễn Chấn nắm giữ 5,14% và con trai Nguyễn Quốc Mỹ nắm 7,31%.
Vị thế của bà Tư Hường tiếp tục được nâng lên khi bà là cổ đông lớn nhất, nắm 17,57 triệu cổ phiếu (14,03%); Nguyễn Quốc Mỹ nắm 9,83 triệu cổ phiếu (7,85%); Nguyễn Chấn nắm 6,43 triệu (5,13%); Ông Phan Đình Tân là một người gắn bó lâu dài với gia đình bà Tư Hường cũng nắm 7,1 triệu (5,67%).
Đến năm 2012, Nam Á Bank có thêm cổ đông mới là vợ chồng con trai thứ Nguyễn Quốc Toàn. Ông Toàn giữ gần 6,6 triệu cổ phần (2,19%) và giữ chức Chủ tịch Nam Á Bank. Vợ ông Toàn là Á hậu Dương Trương Thiên Lý sở hữu 4,92% cổ phần. Tuy nhiên, đến 2013 thì không còn tên trong danh sách.
Tới năm 2015, trong cơ cấu của Nam Á Bank có thêm một cổ đông tổ chức đó là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương. Đây là doanh nghiệp của gia đình bà Tư Hường nắm giữ 42,77 triệu cổ phiếu ngân hàng này (chiếm 14,26%). Bà Tư Hường chỉ còn sở hữu 1,42 triệu cổ phiếu (0,47%); ông Nguyễn Chấn còn 2,46 triệu cổ phiếu (0,82%); Nguyễn Quốc Mỹ 12,93 triệu cổ phiếu (4,31%), 2 con gái Nguyễn Xuân Loan 1,96 triệu (0,65%) và Nguyễn Thị Xuân Ngọc 1,127 triệu (0,38%). Ông Nguyễn Quốc Toàn trở thành người nắm giữ cao nhất là 15 triệu cổ phiếu (5%).
Theo Pháp luật Online, trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng, các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng cũng thay đổi liên tục. Năm 2015, hai chức danh quan trọng nhất là TGĐ và Chủ tịch HĐQT cũng bị thay đổi. Tuy nhiên, quyền lực của bà Tư Hường vẫn không có gì thay đổi. Thời gian này, bà vẫn là cố vấn cấp cao của ngân hàng. Các vị trí chủ chốt vẫn là các thành viên trong gia đình.
|
Ông Nguyễn Quốc Toàn trở thành CT HĐQT Nam Á Bank. Ảnh: Internet. |
Theo thông tin trên CafeF, ông Nguyễn Quốc Toàn SN 23/5/1970 đã nắm giữ ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á từ ngày 27/3/2014 đến nay, Bên cạnh đó, ông Toàn cũng là Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàn Cầu (HOANCAU); Thành viên HĐQT CTCP Ngôi sao Thế giới; Thành viên HĐQT Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.
Tập đoàn Hoàn Cầu biến động như thế nào?
Theo thông tin trên VnExpress cùng nhiều cơ quan báo chí khác, trong năm 2016, Hoàn Cầu tăng vốn lên 1.170 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu sở hữu biến động lớn. Theo đó, bà Tư Hường thôi giữ cổ phần, nhường lại cho chồng, số cổ phần ông Chấn nắm giữ là 89,99% vốn. Phần còn lại do các thành viên khác nắm. Ông Nguyễn Quốc Toàn đã giảm cổ phần chỉ còn giữ 4,01%. Tuy nhiên, bên cạnh sự giảm đi của ông Toàn lại xuất hiện thêm cổ phần các cá nhân Nguyễn Quốc Cường, Phan Đình Tân và Nguyễn Thị Thanh Vân, mỗi người sở hữu 2%.
Tháng 7/2016, ông Phan Đình Tân đã thôi không giữ chức tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy được ngồi vào ghế này. Cuối năm 2016, ông Nguyễn Quốc Cường được giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.
Sau khi bà Tư Hường qua đời (tháng 5/2017), Hoàn Cầu biến động lớn về nhân sự và tỉ lệ sở hữu.
Ông Phan Đình Tân trở lại giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hoàn Cầu. Sau khi ông Nguyễn Quốc Cường mất các vị trí này vào tay ông Tân, số cổ phần 2% của ông được sang tên cho bà Nguyễn Thị Thanh Vân.
Đến tháng 11/2017, một biến động lớn về cơ cấu sở, toàn bộ cổ phần của ông Chấn và con trai “đột nhiên” được chuyển cho ông Dương Tiến Dũng. Theo đó, Hoàn Cầu chỉ còn 2 thành viên góp vốn là ông Dương Tiến Dũng (98%) và ông Phan Đình Tân (2%).
Tiếp đến, tháng 7/2018, phần vốn của ông Dương Tiến Dũng tiếp tục chuyển sang Phan Đình Tân, ông Tân trở thành chủ sở hữu lớn nhất tại Hoàn Cầu với tỉ lệ sở hữu 99%. Phần còn lại do bà Nguyễn Thị Liệu nắm giữ và sau đó được chuyển sang bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng vào tháng 12/2018.
|
Thay đổi cơ cấu cổ đông Tập đoàn Hoàn Cầu. Ảnh: Vietnambiz. |
Ông Phan Đình Tân là người gắn bó với bà Tư Hường từ khi thành lập Hoàn Cần lẫn Ngân hàng Nam Á. Ông là người giữ vị trí tổng giám đốc Hoàn Cầu lâu đời nhất và hiện là Phó chủ tịch Ngân hàng Nam Á.