Theo NamABank, kinh tế toàn cầu năm 2020 được dự báo ảm đạm, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Do đó, NamABank xây dựng kế hoạch năm 2020 với tổng tài sản 116,000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2019; huy động vốn cá nhân, tổ chức kinh tế và phát hành giấy tờ có giá đạt 92,000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019.
Mục tiêu dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 82,000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%.
Tuy nhiên, NamABank đã đề ra kế hoạch đi lùi về lợi nhuận trước thuế hợp nhất với 800 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2019.
Trong khi đó năm 2019, NamABank ghi nhận tổng tài sản vượt 10% kế hoạch; huy động vốn vượt 4% kế hoạch; cho vay vượt 13% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) đạt 925 tỷ đồng, vượt gần 16% kế hoạch đề ra.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, HĐQT NamABank sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua việc niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thời gian thực hiện chậm nhất 31/12/2020.
Hiện NamABank đã thực hiện gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu của NamABank, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết theo trình tự quy định của pháp luật về chứng khoán.
HĐQT NamABank cũng trình cổ đông thương qua việc uỷ quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác có giá trị từ 20% trở lên; mua bán tà sản của NamABank có giá trị từ 20% trở lên và không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung.
Ngoài ra, NamABank cũng sẽ bàn về việc tăng vốn điều lệ nhưng vẫn chưa công bố cụ thể phương án này. NamABank cũng sẽ trình cổ đông việc mở rộng mạng lưới theo cơ chế đặc thù khi tham gia tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai.