Mỹ phẩm giá rẻ tấn công làng quê

Không chỉ tồn tại ở các thành phố lớn mà mỹ phẩm giá rẻ đang tràn về các vùng quê khiến cho sức khỏe, sắc đẹp của người dùng bị đe dọa nghiêm trọng.
Có thể nói chưa bao giờ ở làng quê lại xuất hiện nhiều loại mỹ phẩm giá rẻ như hiện nay. Có mặt tại chợ Thanh Ba, Phú Thọ vào dịp cuối tuần, chúng tôi mới thấy sự phong phú và đa dạng của các loại mỹ phẩm ở đây.
My pham gia re tan cong lang que
Mỹ phẩm giá rẻ đang tràn về các vùng quê. 
Hàng Nhật made in China
Người mua có thể thoải mái lựa chọn từ phấn mắt, phấn má hồng, phấn phủ, son môi, đến các loại kem dưỡng da, mặt nạ đắp mặt, thuốc nhuộm tóc... có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật… cho đến các nước châu Âu với những thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Lancome, Maybeline, Mac, Shiseido... nhưng không hề có tem nhãn của nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng...
Thấy tôi tần ngần trước các mỹ phẩm được bày la liệt, chị chủ cửa hàng đon đả mời chào: “Mua gì vậy em?”. Khi hỏi về mỹ phẩm của Nhật, chị nhanh nhẹn đưa ra nào là kem tẩy trang, phấn nền, sữa rửa mặt… thương hiệu Shiseido. Tuy nhiên, các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc và không có tem nhập khẩu, tem kiểm định chất lượng. Và điều đặc biệt là các sản phẩm “hàng hiệu” này đều có giá rẻ bất ngờ từ 20.000-70.000 đồng/hộp.
Lý giải về xuất xứ Trung Quốc, chị chủ hàng hồn nhiên cho biết, các mặt hàng này là của Nhật nhưng được gia công ở các nước châu Á nên ở đây ghi là sản xuất ở Trung Quốc.
Không chỉ ở Phú Thọ, mà các vùng quê khác như huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An cũng tràn ngập mỹ phẩm giá rẻ. Ở đây người mua dễ dàng tìm thấy những gian hàng nhỏ bày bán la liệt những thỏi son môi, phấn má, sơn móng tay, nước hoa.... Chúng được đựng trong chiếc rá nhựa, hoặc trong các ngăn tủ kính xếp cùng những hàng “thập cẩm” khác như móc khóa, băng đĩa nhạc, quần áo trẻ em, văn phòng phẩm... Loại nào cũng có giá chỉ từ 20.000-50.000 đồng, tuy nhiên, nếu người mua kỳ kèo, người bán sẽ hạ giá bằng một nửa giá rao.
Ghé vào cửa hàng số 12, Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, mặc dù cửa hàng này treo biển quảng cáo bán chè sạch, băng đĩa, quần áo trẻ em, văn phòng phẩm nhưng trong tủ kính của cửa hàng này lại bày la liệt các loại mỹ phẩm. Sau khi khảo giá thì chúng tôi được chủ hàng cho biết son Naris có giá 60.000 đồng, phấn Revlon 10.000 đồng, mascara Essance 16.000 đồng... Khi thấy chúng tôi lấy máy ảnh ra chụp chủ hàng tỏ vẻ nghi ngờ và xua tay yêu cầu chúng tôi đi chỗ khác.
Rước họa vì mỹ phẩm giá rẻ
Thấy rẻ, chị Vương Thùy Nhung ở Quán Bàu, Nghệ An đã mua một hộp kem với giá 150 nghìn đồng về sử dụng. Dùng được 2-3 ngày, chị thấy da bắt đầu trơn láng, căng mọng, rất mềm, lỗ chân lông se khít, mụn đầu đen ở mũi và vết thâm giảm nhiều. Khoảng 1 tuần da bắt đầu trắng sáng hẳn lên, sau 1 tháng thì da mặt chị trắng rõ không cần trang điểm nữa. Chị mua tiếp lọ thứ 2 để dùng. Nhưng khi chị ngừng dùng thì thấy da xấu đi và mặt bị nổi ngứa. Đến hôm sau thấy ngứa hơn, mặt bắt đầu nổi nhiều mụn li ti, da bắt đầu xạm lại và rất khó chịu. Đến ngày thứ 4 thì da chị bắt đầu nổi chi chít những hạt nhỏ như rôm và mẩn đỏ, ngứa, gãi có nước. Đi khám ở bệnh viện, bác sỹ kết luận bị dị ứng mỹ phẩm và phải điều trị bằng kháng sinh.
Theo chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm ở thành phố Vinh, Nghệ An, thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là xuất hàng theo hợp đồng tại Trung Quốc, sau đó đưa về Việt Nam, người bán giới thiệu là hàng tiểu ngạch, hàng xách tay từ nước ngoài về nên có giá rẻ, khách hàng không rành về sản phẩm rất dễ bị “sập bẫy”. Đôi khi, để hợp thức hóa các loại mỹ phẩm giả này, một công ty đứng ra là nhà nhập khẩu chính thức, sau đó họ sang Trung Quốc đặt hàng nhái y chang đưa về tiêu thụ, vẫn đảm bảo giấy tờ nhập khẩu khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Một thủ đoạn khác là sản phẩm giả được bày lẫn hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành “đánh lận” người tiêu dùng. Đây là cách thức tiêu thụ mỹ phẩm nhập lậu hữu hiệu hiện nay. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đối tượng chỉ để số lượng ít hàng lậu ở cửa hàng, còn lại thuê kho để chứa, khi nào hết hàng lại lấy ra để tiêu thụ tiếp.
Bác sỹ Nguyễn Văn Sáu, Bệnh viện Đa khoa huyện Qùy Châu, Nghệ An khuyến cáo, người dùng nên mua mỹ phẩm ở các cửa hàng có uy tín, chất lượng. Trước khi dùng nên thử ở những vùng da nhỏ, hẹp, nếu thấy đảm bảo thì mới dùng. Nếu bị dị ứng thì phải đến ngay các chuyên khoa da liễu để được chữa trị kịp thời tránh biến chứng.
Theo Phương Lê/VOV News

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN