|
Các máy bay của VNA đậu tại Ga hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Saigon Times Daily.
|
TBKTSG Online dẫn nguồn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết đã có 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban này quản lý có báo cáo về thiệt hại và đề xuất các giải pháp hỗ trợ. Trong đó, VNA báo lỗ khoảng 20.000 tỉ đồng và dòng tiền bị thâm hụt khoảng 15.000 -17.000 tỉ đồng, cần nhà nước "ứng cứu" ngay 12.000 tỉ đồng trong tháng 4 này.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã đề xuất hàng loạt các giải pháp như giãn nộp thuế, khoanh nợ, miễn, giảm thuế, phí. Các bộ cũng ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số biện pháp mang tính bảo hộ có nguy cơ đi ngược lại với chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường với nền tảng cạnh tranh công bằng.
Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị nội dung báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ GTVT cho biết đã giao Cục Hàng không "khẩn trương nghiên cứu, giải quyết sớm theo thẩm quyền về nghiên cứu chính sách bảo hộ đối với hãng hàng không quốc gia trong vấn đề phân bổ slot, kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa để giúp hàng không quốc gia phát triển bền vững, giữ vị thế chủ đạo.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, động thái của Bộ GTVT có nguy cơ vi phạm nhiều luật như: Luật Hàng không dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Chẳng hạn, theo ông Đức, Điều 5 Luật Hàng không dân dụng năm 2014 quy định nguyên tắc hoạt động hàng không dân dụng là “cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động hàng không dân dụng”. Cũng luật này, Điều 53 Luật, yêu cầu Bộ GTVT điều phối giờ cất cánh, hạ cánh phải “bảo đảm công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử”.
Việc Bộ GTVT muốn “bảo hộ VNA trong việc phân bổ slot (khung giờ cất hạ cánh của các hãng hàng không), kiểm soát tăng trưởng vận tải hàng không nội địa” để giúp VNA phát triển bền vững, đã vi phạm những quy định trên.
Luật sư Trương Thanh Đức tiếp tục dẫn khoản 4 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư” và khoản 1 Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2014, theo đó Nhà nước “bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế”.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chính sách, pháp luật trong thời gian qua được xây dựng theo hướng công bằng, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Việc một cơ quan quản lý nhà nước muốn xây dựng chính sách bảo hộ cho một doanh nghiệp cụ thể đang đi ngược lại tinh thần này.
“Nhà nước không thể tạo dựng vị trí nòng cốt cho một một doanh nghiệp nào đó bằng chính sách bảo hộ phân biệt đối xử”, ông nói.
Luật sư nhấn mạnh rằng, nếu không khéo Việt Nam có thể vi phạm các cam kết, thoả ước quốc tế đã ký kết. Chẳng hạn, theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư…