Chứng khoán MBS vừa công bố báo cáo phân tích vĩ mô với nhận định Xu hướng phục hồi rõ nét hơn.
Sản xuất phục hồi chậm, lạm phát tiếp tục tăng trong tầm kiểm soát
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên chỉ số PMI giảm nhẹ về mức 49,6 so với 49,7 điểm của tháng trước đó, cho thấy sức khỏe của khu vực sản xuất vẫn còn khá yếu.
Điểm tích cực là số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng tháng thứ ba liên tiếp chứng tỏ lực cầu có sự cải thiện. Xuất khẩu tháng 10 tăng 5,3% so cùng kỳ, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp tăng trưởng dương tháng thứ 2 liên tiếp. Hoạt động nhập khẩu tăng 5,2% so cùng kỳ, cao hơn với với mức 2,6% của tháng trước, cho thấy dấu hiệu tăng trở lại của sản xuất.
Còn CPI tháng 10/2023 tăng 3,5% so cùng kỳ và bình quân 10 tháng tăng 3,2% so cùng kỳ duy trì dưới mức mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Tuy nhiên, MBS cho rằng lạm phát vẫn chịu áp lực bởi những yếu tố như giá dầu thế giới do tác động trái chiều của khan hiếm nguồn cung và lo ngại về nhu cầu chậm phục hồi và giá gạo tăng trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường châu Á và châu Phi tăng lên.
Tỷ giá hạ nhiệt sau động thái ngừng tăng lãi suất của các NHTW
MBS cho rằng một vài yếu tố vĩ mô tích cực như: thặng dư thương mại 10 tháng xấp xỉ 24,6 tỷ USD, lượng kiều hối và dòng tiền FDI tích cực giải ngân,... sẽ góp phần giảm áp lực lên tỷ giá vào cuối năm.
MBS dự báo tỷ giá VND/USD có thể giao động trong khoảng 24.300 - 24.500 VND/USD trong những tháng cuối năm, với tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn đang được duy trì đồng thời nhu cầu ngoại tệ tăng cao thường xảy ra trong giai đoạn cuối quý.
Trong bối cảnh đó, MBS ước tính GDP quý 4 sẽ tăng 6,1% - 6,3% trên cơ sở nền thấp cùng kỳ năm ngoái, cũng như hoạt động sản xuất sẽ cải thiện nhờ phần nào xuất khẩu cải thiện do nhu cầu tích trữ hàng tồn kho của Mỹ và các nước Châu Âu tăng trở lại từ mức thấp và lượng đơn hàng sẽ quay trở lại do nhu cầu mua sắm vào dịp lễ cuối năm.