Lợi nhuận quý 2 nhóm VN30: Ông lớn ngân hàng dẫn đầu, doanh nghiệp bất động sản tụt dốc

Sau mùa công bố BCTC quý 2/2022, lợi nhuận của 12/30 doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ, trong bảng xếp hạng cho thấy sự trỗi dậy về lợi nhuận của các ngân hàng.
Đứng đầu về lợi nhuận quý 2 chính là Vietcombank (VCB) với giá trị 5.927 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ ba vẫn là "ông lớn" trong ngành ngân hàng, lần lượt là Tecombank (TCB) với lợi nhuận sau thuế là 5.800 tỷ đồng, tăng 23%. Tiếp đó đến BIDV (BID) với lợi nhuận ghi nhận ở mức 5.216 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Theo đó quý 2 năm nay đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm ngành ngân hàng.
Ở cuối bảng xếp hạng đó là Petrolimex (PLX) gây bất ngờ khi báo lỗ 196 tỷ đồng trong quý 2. Trước đó, trong quý 1, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 442 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2021, bất chấp việc doanh thu tăng trưởng 75%.
Loi nhuan quy 2 nhom VN30: Ong lon ngan hang dan dau, doanh nghiep bat dong san tut doc
 
Yếu tố dẫn đến lợi nhuận gộp bị ăn mòn được cho rằng, đến từ sự cố Nhà máy Nghi Sơn phải cắt giảm sản lượng sản xuất khiến PLX không đáp ứng được nhu cầu. Tập đoàn phải tìm tới nguồn cung khác, thay đổi kế hoạch nhập mua khiến chi phí vốn tăng cao, theo đó biên lợi nhuận gộp giảm mạnh trong quý 2.
Nếu như cùng kỳ năm trước, đứng đầu về khoản lợi nhuận trong nhóm VN30 chính là “ông lớn” Vinhomes (VHM). Thời điểm đó, lợi nhuận của Vinhomes là 10.521 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến quý 2 năm nay, lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản này chỉ còn 509 tỷ đồng bởi doanh thu đã giảm sâu từ mức 28.015 tỷ đồng xuống còn 4.530 tỷ đồng. Được biết, mức lợi nhuận trong kỳ này của Vinhomes chính là mức thấp nhất của doanh nghiệp kể từ quý 4 năm 2017 cho đến nay.
Trong nhóm VN30, doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất là PV Gas (GAS). Theo đó, lợi nhuận của công ty này là 5.086 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới.
Nguyên nhân lợi nhuận tăng cao là nhờ giá dầu brent bình quân trong quý 2 đã đạt 114 USD/thùng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 45 USD/thùng, con số này tương đương với mức tăng 65% đã giúp lợi nhuận của khí khô tăng tương ứng. Chưa kể, giá CP bình quân trong quý 2 năm nay cũng tăng 64%, đạt mức 852 USD/tấn.
Bên cạnh PV Gas, một số doanh nghiệp khác trong quý 2 này cũng có lợi nhuận ròng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vingroup (VIC), Vietinbank (CTG) và Vincom Retail (VRE).
Trong quý 2 năm nay, Vingroup bị lỗ gộp 4.567 tỷ đồng do hụt thu ở mảng bất động sản, trong khi đó mảng du lịch giải trí - khách sạn và sản xuất vẫn lỗ lớn. Dù thế, lợi nhuận ròng của Vingroup vẫn cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, đạt 3.191 tỷ đồng nhờ hoạt động tài chính cao cùng với các hoạt động khác vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Doanh nghiệp có biên lợi nhuận ròng giảm mạnh nhất phải kể đến Vinhomes (VHM) với mức giảm 94% .
Sau Vinhomes, ông vua ngành thép Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp có lợi nhuận giảm nhiều thứ hai trong quý này. Cụ thể, lợi nhuận của Hòa Phát đã giảm từ 9.843 tỷ đồng xuống 4.032 tỷ đồng, tương ứng mất hơn 50%.
Lý giải về việc lợi nhuận “vua thép” Việt giảm sâu là do giá phép thành phẩm giảm trong khi giá nguyên vật liệu tăng cao kèm theo các tác động của tỷ giá cùng với chi phí logistics cũng tăng đáng kể.
Ngoài Vinhomes, bảng xếp hạng lần này cũng cho thấy sự thụt lùi của một số ông lớn bất động sản như Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR) và Khang Điền (KDH) trước những động thái thắt chặt tín dụng, thủ tục pháp lý của cơ quan chức năng, giá nguyên vật liệu tăng cao...
Trong quý này, hai ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm đó là VPBank (VPB) và Sacombank (STB). Trong quý này, lợi nhuận của VPBank là 3.508 tỷ đồng còn Sacombank là 804 tỷ đồng.
Còn trên thị trường chứng khoán, kể từ tháng 4/2022, thị trường cổ phiếu Việt Nam cắm đầu giảm sâu, với thanh khoản trở nên èo uột hơn. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, những "ông lớn” trong nhóm VN30 cũng không thể thoát khỏi những đòn giáng của thị trường, trong đó có tới 12 cổ phiếu giảm còn mạnh hơn cả VN-Index.
Dẫn đầu đà giảm của nhóm VN30 là cổ phiếu SSI với mức giảm 51% trong quý 2. Kế đó là “vua thép” HPG với mức giảm 35%, giữa lúc ngành thép bước vào giai đoạn “thê thảm” và giá thép giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu duy trì được sắc xanh là GAS và PNJ. Với GAS, quý 2 là giai đoạn chứng kiến giá dầu khí tăng vọt và hoạt động kinh doanh cũng khởi sắc.
Trong kỳ, vốn hóa HPG “bốc hơi” hơn 72 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh nhất trong nhóm VN30. Kế đó là VHM với gần 60.000 tỷ đồng, BID (50.500 tỷ), TCB (49.000 tỷ).
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN