Lợi nhuận quý 2 của TCB có thể tăng 57%, đạt gần 5.700 tỷ đồng

Trong một báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự phóng lợi nhuận của Techcombank (TCB) tăng trưởng mạnh trong quý 2.
VDSC kỳ vọng TCB sẽ tiếp tục công bố lợi nhuận tăng trưởng ổn định trong quý 2/2021 với 5.671 tỷ đồng LNTT (+2,8% so với quý trước, +56,8% so với cùng kỳ năm trước).
Đà tăng mạnh mẽ này dựa trên yếu tố tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ đạt mức cao nhất trong hai năm qua (+34,2% YoY) và NIM mở rộng trên nền so sánh thấp.
Trong đó, thu nhập lãi thuần được kỳ vọng sẽ là động lực lợi nhuận chính (+1,1% QoQ, +57% YoY). VDSC ước tính rằng TCB đã sớm đạt hạn mức tín dụng vào đầu quý này. Ngân hàng đã đề xuất với NHNN về việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Dựa trên kết quả kinh tế gần đây vừa được công bố, VDSC cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ tự tin trong việc cấp hạn mức tín dụng tương đối cao.
Kỳ vọng hạn mức tăng trưởng tín dụng 20% sẽ được công bố vào đầu quý 3. Ngân hàng cũng được hưởng lợi từ nền so sánh thấp khi phần lớn đà tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 diễn ra trong nửa cuối năm.
Loi nhuan quy 2 cua TCB co the tang 57%, dat gan 5.700 ty dong
 
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng +3,5% so với đầu năm. Cuối quý 3 năm đó, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm đạt 9,2%, trong khi cả năm 2020 tăng trưởng tín dụng 24%.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ so, biên NIM cũng được kỳ vọng là điểm sáng. Ngân hàng đã chứng kiến một xu hướng NIM (theo năm) mở rộng ổn định, đạt đỉnh vào quý 1/2021.
Với lo ngại của ngân hàng về áp lực ở phía cho vay khi các ngân hàng tư nhân khác cũng tung ra các gói lãi suất ưu đãi, đặc biệt trong mảng cho vay mua nhà, NIM (theo năm) được dự phóng sẽ giảm nhẹ. Ngược lại, NIM dồn 4 quý được dự báo sẽ tăng cao hơn, ở mức 5,6%.
Cụ thể, chi phí huy động vốn (theo năm) dự kiến sẽ giảm nhẹ. CASA được dự báo sẽ phục hồi sau khi yếu tố mùa vụ qua đi, và ngân hàng cũng kì vọng tỉ lệ này sẽ dao động quanh mức hiện tại. Lợi suất tiền gửi có kỳ hạn bình quân sẽ duy trì xu hướng giảm nhưng động lượng sẽ yếu dần.
VDSC cho rằng tác động của việc tái cơ cấu tiền gửi và chênh lệch chu kỳ tái định giá trong môi trường lãi suất thấp sẽ sớm kết thúc trong một vài quý nữa. Do đó, VDSC cho rằng độ biến động của chi phí huy động vốn sẽ thấp vào cuối năm. Xu hướng nhìn chung vẫn là giảm theo kì vọng của ngân hàng.
Loi nhuan quy 2 cua TCB co the tang 57%, dat gan 5.700 ty dong-Hinh-2
 
Lợi suất danh mục trái phiếu doanh nghiệp tăng nhẹ nhờ tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. VDSC ước tính lợi suất của các chứng khoán nợ khác, chủ yếu bao gồm các tài sản thanh khoản cao, giảm mạnh trong quý 1 2021. Đây được cho là kết quả của việc thay đổi cơ cấu danh mục và trái phiếu Chính phủ mang lại lợi suất thấp.
Động lực cho lợi nhuận của TCB trong quý 2 được đóng góp lớn bởi thu nhập lãi thuần, đạt 6.193 tỷ đồng (+57% YoY). Thu nhập dịch vụ thuần tăng chủ yếu do kết quả hoạt động tốt của mảng bancassurance và thanh toán, trong khi VDSC kỳ vọng hoạt động kinh doanh bảo lãnh và phát hành và thu nhập từ mảng thẻ sẽ tăng trưởng ở mức cao một chữ số.
Nhìn chung, tổng thu nhập hoạt động dự kiến sẽ tăng +51% so với cùng kì năm trước. Chi phí tiếp thị sẽ đẩy hệ số CIR cao hơn trong quý 2, nhưng vẫn ổn định ở mức thấp khi so sánh với cùng kỳ năm trước.
Về việc trích lập dự phòng, VDSC kỳ vọng chi phí tín dụng trong quý sẽ bớt chịu áp lực hơn do ngân hàng đã trích lập dự phòng nghiêm ngặt trong vài quý vừa qua để xóa một số khoản vay khách hàng doanh nghiệp lớn, vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong phần nợ tái cơ cấu. Do đó, LNTT quý 2/2021 dự báo đạt 5.671 tỷ đồng (+57% so với cùng kì năm trước). 
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN