Loạt ngân hàng công bố giảm sâu lãi suất, khách hàng than 'có thấy giảm gì đâu'

Dịch COVID-19 đẩy nhiều người dân vào hoàn cảnh khó khăn: công việc bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sút… Với những ai vay tiền ngân hàng trong giai đoạn này thì khó khăn lại càng gấp bội với khoản tiền phải trả mỗi tháng.
 

Trong ngày 31/3, tại cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo NHNN đã đề nghị các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức khoảng 2%/năm so với lãi suất cho vay trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo đó nhiều ngân hàng đã công bố miễn, giảm lãi tiền vay, miễn, giảm phí giao dịch... cho các khách hàng chịu tác động bởi COVID-19 như Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, ACB…

Nguồn thu nhập bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cá nhân vay tiêu dùng vẫn chưa được hỗ trợ giảm lãi suất

Theo phản hồi từ ý kiến bạn đọc, các khoản mà cá nhân vay trong thời gian trước khi dịch bệnh xảy đến vẫn chưa được hỗ trợ như các ngân hàng đã thông báo.

Chia sẻ từ anh A., năm 2018, gia đình anh quyết định mua một căn hộ có diện tích 80 m2 với trị giá 1,8 tỷ đồng. Để mua được căn hộ này, anh đã phải vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ. Mỗi tháng gia đình trả khoản tiền cả gốc và lãi khoảng 15 triệu đồng.

Kể từ Tết đến nay, anh A. và gia đình chật vật xoay xở, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để có thể gom đủ tiền trả gốc và lãi.

Trước khi quyết định mua căn hộ, vợ chồng anh A. đã tính toán rất kỹ. Theo đó, anh quyết định chọn căn hộ phù hợp khả năng tài chính để hàng tháng, số tiền trả lãi gốc hàng tháng khoảng 50% thu nhập của vợ chồng.

Hai vợ chồng anh A đều dạy ở trung tâm tiếng Anh, trước đây thu nhập mỗi tháng khoảng 35 triệu đồng. Vì thế, mỗi tháng trả 15 triệu tiền gốc và lãi ở ngân hàng, số tiền còn lại đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình 4 thành viên.

Từ Tết đến nay, Trung tâm tiếng Anh chưa hoạt động trở lại vì ảnh hưởng của COVID-19, đồng nghĩa với việc thu nhập của hai vợ chồng đều không có. Khoảng tiền tiết kiệm được từ trước co kéo cũng chỉ đủ sinh hoạt gia đình.

Mọi kế hoạch đều đảo lộn khiến cuộc sống khó khăn hơn khi hàng tháng không có thu nhập nhưng các khoản chi tiêu vẫn phải dùng đến tiền. Giờ không biết xoay đâu tiền để hàng tháng trả ngân hàng.

Loat ngan hang cong bo giam sau lai suat, khach hang than 'co thay giam gi dau'
 Nhiều cá nhân chờ đợi gói giảm lãi suất từ ngân hàng.

Một trường hợp khác là vào tháng 10/2019, anh T. vay ngân hàng Sacombank 300 triệu tương đương 80% giá trị của ô tô để chạy taxi công nghệ. Mỗi tháng, anh trả cả gốc lẫn lãi 8 triệu đồng.

Cũng vì ảnh hưởng COVID-19, thu nhập của anh T. dần thu hẹp lại và khá khó khăn khi phải trả tiền hàng tháng cho ngân hàng.

Quá khó khăn, các cá nhân này đã chủ động liên hệ với ngân hàng nhưng đều nhận được câu trả lời chưa có chỉ thị, hay quyết định giảm lãi suất chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, cá nhân có khoản vay bị thiệt hại do COVID-19, còn vay tiêu dùng thì… khó mà được hỗ trợ.

Ngân hàng nói gì?

Trao đổi với một số nhân viên ngân hàng, các nguồn tin đều cho biết, khoảng một tháng nay liên tục nhận được đơn, cuộc gọi từ khách hàng hỏi về việc miễn, giảm lãi hoặc giãn nợ cho các khoản vay đến hạn.

Tuy nhiên để được xét giảm lãi suất, giãn nợ, khách hàng phải thỏa mãn nhiều điều kiện mà ngân hàng đặt ra như phải nằm trong những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng và nguồn này phải là khoản thu nhập mà khách hàng kê khai trong hồ sơ vay ban đầu với ngân hàng.

Mặt khác, mỗi ngân hàng sẽ có quy định khác nhau và mức giảm tùy theo từng đối tượng chứ không có mẫu số chung.

“Các khoản vay hiện hữu đến hiện tại đều được xem xét giãn nợ, giảm lãi vay chớ không phải là khoản vay mới hoàn toàn”, đại diện một ngân hàng cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế.

Dịch COVID-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm xuống, thậm chí một số người bị thất nghiệp. Do đó, kế hoạch trả nợ của đối tượng này bị ảnh hưởng.

Nếu các ngân hàng vẫn duy trì thời hạn và mức trả nợ như cũ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ phải chấp nhận hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn nếu không muốn rơi vào cảnh nợ xấu.

Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp khó bán được hàng, sản xuất lại đình trệ. Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau.

Ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nặng nề!

Thứ nhất, tăng trưởng dư nợ tín dụng thấp. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng đến 16/3 mới đạt 0,43% so với cuối năm 2019, thấp hơn mức tăng 1,52% cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây. Cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của hộ gia đình thấp và các doanh nghiệp hơn.

Thứ hai, lợi nhuận ngân hàng có xu hướng giảm. Điều này là hệ quả tất yếu khi tỷ trọng thu của tín dụng vẫn chiếm đa số trong tổng thu của ngân hàng.

Trước việc Ngân hàng nhà nước giảm hàng loạt các mức lãi suất cơ bản, cùng với ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, sẽ làm doanh thu của ngân hàng giảm, dẫn đến làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Thứ ba, xu hướng gia tăng nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ước tính lên tới 926.000 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, và từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN