Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 5/4 (theo giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 1,5% lên 2.323,237 USD/ounce, sau khi đạt mức cao kỷ lục trong lịch sử 2.330,06 USD/ounce vào đầu phiên. Giá vàng đã tăng hơn 4% trong tuần này và ghi nhận 3 tuần tăng liên tiếp. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cộng thêm 1,5% lên 2.342,7 USD/ounce. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng (tính theo đổi sang đồng USD) đã tăng 11%.
Trong nước, giá vàng SJC cuối ngày 6/4 tăng mạnh chiều bán ra so với sáng cùng ngày. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,5 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 81,9 triệu đồng/lượng, điều chỉnh tăng 380.000/lượng đồng ở chiều bán ra và giữ ổn định giá chiều mua vào so với buổi sáng.
Trong bối cảnh giá vàng tăng cao, lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức thấp, thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh ở những phiên giao dịch gần đây, người dân nên gửi tiền vào đâu để sinh lời hiệu quả?
PV đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Mạnh Hùng Phó Viện trưởng Viện NCKH, Học viện Ngân hàng về chủ đề này.
PV: Xưa nay, vàng thường được coi là kênh tài sản trú ẩn hơn là một kênh đầu tư có tỷ lệ sinh lời cao. Tuy nhiên thời gian qua, giá vàng lại ghi nhận tốc độ tăng đột biến. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
PGS. TS Phạm Mạnh Hùng: Tài sản tài chính trú ẩn mang tính phòng thủ hay đầu tư có thể linh hoạt theo từng giai đoạn; quan trọng nhất là khả năng sinh lời của tài sản được đánh giá tích cực thì dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển tới tài sản đó. Theo tôi, có một số nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh trong thời gian qua:
Thứ nhất, giá vàng trên thế giới liên tiếp tăng mạnh, đứng vững trên mốc 2.200 USD/once và tiếp tục vượt đỉnh lịch sử. Điều này xuất phát từ tín hiệu giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ năm 2024, cũng như căng thẳng địa chính trị khiến nhà đầu tư trên thế giới lo âu hơn và gia tăng nắm giữ kim loại quý này.
Thứ hai, xuất phát từ các nguyên nhân trong nước của thị trường vàng khi mà giai đoạn cuối năm và đầu năm mới là thời điểm nhu cầu mua tích trữ vàng, sử dụng vàng cho mục đích cưới hỏi tăng cao, trong khi nguồn cung vàng SJC chỉ quanh quẩn trong dân và doanh nghiệp mà không được sản xuất bổ sung thêm dẫn đến việc giá vàng tăng mạnh, đặc biệt là vàng miếng SJC tăng mạnh trong thời gian qua.
Thứ ba, lãi suất tiền gửi giảm mạnh cũng có tác động tới hành vi mua vàng của người dân. Cụ thể, dữ liệu thống kê theo tuần của Viện NCKH Ngân hàng thể hiện từ trung tuần tháng 8/2023 đến cuối tháng 3/2024, lãi suất huy động tiền gửi trung bình của các NHTM trong nước liên tục giảm. Lãi suất huy động trung bình ở các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tại ngày 29/3/2024 lần lượt là 2,39%; 2,64%; 3,68% và 4,55% - thấp hơn khoảng từ 1,64 đến 2,12 điểm phần trăm so với ngày 15/8/2023. Với mức lãi suất thấp, dòng tiền có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư sinh lợi tốt hơn như chứng khoán, bất động sản và cả kim loại quý, trong đó có vàng.
PV: Ngoài vàng, tỷ giá USD/VND cũng tăng rất nhanh vừa qua. Theo ông đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Liệu có sự đồng pha hoặc tương quan nào giữa tỷ giá và giá vàng không?
PGS. TS Phạm Mạnh Hùng: Tỷ giá USD/VND tăng cao trong giai đoạn vừa qua có thể được lý giải bới một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, FED chưa đưa ra thời điểm cụ thể về nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Những dự báo về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục bị đẩy lùi, trì hoãn. Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý của thị trường ngoại hối quốc tế khiến giá trị đồng USD liên tục tăng, gây áp lực đối với các đồng nội tệ khác, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất Việt Nam giảm sâu trong thời gian qua đã tạo chênh lệch lãi suất lớn giữa VND và USD. Chính vì vậy, áp lực tỷ giá USD càng nóng.
Thứ ba, 3 tháng đầu năm 2024 chứng kiến tăng trưởng nhập khẩu khá tích cực, nhu cầu ngoại tệ do đó cũng tăng hơn so với các năm trước. Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực trong nước nhập siêu gần 4,5 tỷ USD trong quý I/2024. Lượng vốn giải ngân FDI ghi nhận tích cực nhưng chưa đủ để bù đắp các nhu cầu ngoại tệ phục vụ cho các khoản chi.
Về biến động tương quan giữa tỷ giá và giá vàng thì quan hệ đồng pha vẫn thường xuyên hiện diện. Khi tỷ giá USD/VND tăng, giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo do hiệu ứng quy đổi. Tuy nhiên, mối tương quan này không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác. Có thể có những trường hợp giá vàng tăng hoặc giảm do những yếu tố riêng biệt (ví dụ như đề cập ở trên), chưa chắc phụ thuộc vào tỷ giá.
Trong trường hợp những yếu tố trên vẫn còn duy trì, tôi đánh giá xu hướng đi lên của vàng và tỷ giá USD/VND là vẫn tiếp diễn. Đối với thị trường vàng thế giới, giá vàng đã phá vỡ các ngưỡng kháng cự rất dài hạn và vì vậy xu hướng tăng được dự báo sẽ còn được tiếp tục trong trung và dài hạn. Vị thế của đồng USD với các đồng tiền khác trên thế giới phụ thuộc rất lớn vào thời điểm FED chính thức hạ lãi suất.
PV: Giải pháp nào để kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá USD/VND? Theo ông, NHNN liệu có nên bán bớt USD, hay tiếp tục hút tiền qua kênh tín phiếu? Còn với vàng, làm sao để hạn chế tình trạng và tâm lý đầu cơ vàng, đánh thuế có phải một giải pháp?
PGS. TS Phạm Mạnh Hùng: Để kiềm chế đà tăng nóng của tỷ giá, trong giai đoạn vừa qua chúng ta đã thường xuyên sử dụng công cụ là hút tiền qua kênh tín phiếu. Thời gian tới, có thể không loại trừ khả năng NHNN can thiệp thị trường qua việc bán USD trực tiếp trên thị trường ngoại hối để tăng cung USD, bình ổn tỷ giá. Việc bán bớt USD hay hút tiền về qua kênh tín phiếu thì cả hai giải pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào tình hình cụ thể của thị trường mà NHNN sẽ cần lựa chọn phương án phù hợp và có thể kết hợp cả hai giải pháp trên để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, NHNN có thể cần thực hiện các biện pháp bổ sung như cân nhắc thanh kiểm tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại hoặc đưa ra các thông điệp về định hướng chính sách một cách thường xuyên.
Đối với giá vàng, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp cận từ việc bảo đảm sự minh bạch và hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hơn là việc suy nghĩ kiềm chế sự tăng giá của vàng.
Giá vàng tăng do các nguyên nhân tôi đã đề cập ở trên, đặc biệt là chịu sự ảnh hưởng của giá vàng thế giới tăng rất mạnh, phá vỡ những ngưỡng kháng cự rất dài hạn của kim loại quý này. Vì vậy, xét yếu tố phân tích kỹ thuật, giá vàng chưa cho thấy xu hướng điều chỉnh về trung hạn và dài hạn.
Để nhập khẩu vàng tăng nguồn cung vàng trên thị trường, chúng ta phải sử dụng một lượng ngoại tệ rất lớn, ảnh hưởng tới dự trữ ngoại hối vốn cần phải dành cho các nhiệm vụ quan trọng hơn. Trong trường hợp này, NHNN cần quyết định “quota” nhập vàng theo từng thời kỳ, dựa trên các cân đối vĩ mô để tỷ giá vẫn tiếp tục được kiểm soát. Đồng thời với đó, nhà nước có thể định ra một mức thuế nhập khẩu nhất định trên mỗi lượng vàng nhập về, bù đắp cho lượng ngoại tệ nhập khẩu vàng. Bên cạnh đó cần phát triển, mở rộng các kênh đầu tư khác, khuyến khích người dân đa dạng hóa đầu tư vào các kênh khác (chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư...) để giảm bớt áp lực lên thị trường vàng.
PV: Người gửi tiền tiết kiệm hiện thiệt thòi rất lớn nếu so với nắm giữ vàng, USD. Vậy trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư còn nên gửi tiền tiết kiệm, hay nên tìm kiếm kênh đầu tư nào khác?
PGS. TS Phạm Mạnh Hùng: Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong suốt thời gian qua, xuống mức thấp lịch sử khiến lượng tiền gửi vào hệ thống có dấu hiệu suy giảm. Số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố, tính đến 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Ở tuần cuối tháng 3/2024, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đang có xu hướng đảo chiều, rục rịch tăng trở lại. Mặc dù mức tăng chưa phải là lớn nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện rằng hiện tượng dư thừa tiền và thanh khoản tại ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nhiều rủi ro của năm 2022 và đầu năm 2023, dòng tiền đầu tư của dân cư được phân bổ nhiều vào các kênh đầu tư truyền thống và an toàn như gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư bất động sản phân khúc có nhu cầu sử dụng thực sự cao như nhà chung cư tại các thành phố lớn. Với việc lãi suất huy động liên tục đi xuống, thì rõ ràng trong giai đoạn từ cuối quý III/2023, gửi tiết kiệm tỏ ra kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như đầu tư chứng khoán, BĐS hay vàng.
Theo quan điểm cá nhân, khi lãi suất huy động hạ thấp như hiện nay được duy trì tiếp tục trong năm 2024 thì tiền sẽ chảy thêm vào thị trường bất động sản và chứng khoán. Ngoài ra, tôi cho rằng một yếu tố quan trọng sẽ khiến thị trường chứng khoán và bất động sản ấm lại vào năm 2024 đó là chính sách cải cách tiền lương.
Lịch sử cho thấy những năm sốt đất hay giá chứng khoán tăng mạnh trong quá khứ cũng thường gắn với cải cách mạnh mẽ trong vấn đề tiền lương tại Việt Nam. Đối với thị trường bất động sản, các phân khúc đất chưa tăng mạnh hoặc mang tính đầu cơ cao hơn như đất đấu giá và đất nền vùng ven các thành phố lớn sẽ có thể hồi phục tích cực vào cuối năm 2024 đầu năm 2025 sau khi giá chung cư, đất nội đô đã được đẩy lên một mặt bằng giá mới.