Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.
Lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm, lãi suất cho vay xuất hiện sự phân hóa
Trong tuần từ 3 - 10/8, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 20-50 điểm cơ bản ở các NHTMCP ở các kỳ hạn, và đưa mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức về khoảng 6,2% - 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng, giảm khoảng 150 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giao động từ 6,3% cho nhóm NHTMCPNN đến 6,4% - 7,0% cho nhóm NHTMCP lớn và vào khoảng 7,2% - 7,6% cho nhóm còn lại.
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của MSB, OCB và ACB giảm mạnh nhất (-0,4 điểm %). Tại kỳ hạn 6 tháng, TCB, MSB và EIB ghi nhận mức giảm lãi suất lớn nhất, lần lượt là 0,5 điểm % và 0,4 điểm %.
|
Thống kê lãi suất tiền gửi 12 tháng của một số ngân hàng |
VNDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm, do tăng trưởng tín dụng 6 tháng 2023 chậm khiến áp lực huy động giảm.
Còn theo SSI Research, nhìn chung, NHNN tiếp tục duy trì định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và do vậy việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động là điệu kiện cần thiết để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trên thực tế, SSI Research cũng quan sát thấy tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7, tuy nhiên vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10% trong khi đó các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12-15%.