Theo Bản tin thị trường tiền tệ tuần qua, Chứng khoán SSI cho rằng, lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm thêm.
Cụ thể, tuần qua, NHNN không thực hiện giao dịch trên thị trường mở và hút ròng 26.6 nghìn tỷ đồng thông qua đáo hạn các khoản mua kỳ hạn.
Dòng tiền trở lại hệ thống ngân hàng khiến thanh khoản dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục giảm về mặt bằng trước đợt sóng trước Tết Nguyên đán. Chốt tuần ở mức 0.33%/năm (-77bps) với kỳ hạn qua đêm và 0.54%/năm (-67bps) với kỳ hạn 1 tuần.
Một số NHTM giảm lãi suất từ 10-40 bps đối với tiền gửi khách hàng cá nhân nhưng giữ nguyên với lãi suất tiền gửi tổ chức kinh tế, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm khách hàng này.
Hiện lãi suất tiền gửi từ tổ chức kinh tế vẫn ở mức 2-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3-4.9%/năm với kỳ hạn 6-dưới 12 tháng; và 4.2- 5.8%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Trong tuần, Vietcombank tiên phong giảm thêm lãi suất cho vay với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, BIDV cũng công bố lãi suất cho vay ưu đãi với khách hàng nhỏ và vừa; gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm trong thời gian tới.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USDVND diễn biến trái chiều trên ngân hàng và thị trường tự do.
Tâm điểm thị trường tuần qua là xu hướng tăng mạnh của lợi tức trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ, có thời điểm lợi tức 10 năm lên tới 1.53%/năm – mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ cam kết tiếp tục giữ nguyên tốc độ nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài và cho rằng lạm phát chưa phải mối lo ngại quá lớn.
Tuy nhiên, các thông tin tích cực về số đơn trợ cấp thất nghiệp, thu nhập và chi tiêu cá nhân, chỉ số PMI… đã gia tăng lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ khiên dòng tiền rút khỏi TPCP Mỹ, đẩy lợi tức TPCP tăng liên tục, từ đầu năm đến nay đã tăng 37-50bps với các kỳ hạn từ 5-30 năm.
Lợi tức TPCP tăng làm tăng chi phí nắm giữ vàng khiến giá vàng cũng sụt giảm tới 2.8% trong tuần qua, về mức thấp nhất trong 8 tháng qua (1734 USD/oz); và hỗ trợ đồng USD tăng giá, chỉ số DXY tăng từ 90.3 lên 90.9, hầu hết các đồng tiền đều giảm giá so với USD.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước – quốc tế vẫn duy trì ở mức cao (ước khoảng 6.3 triệu đồng/lượng), tỷ giá USDVND trên thị trường tự do tăng thêm 50đ/USD chiều mua vào và 40đ/USD chiều bán ra, lên mức 23.820/23.870. Trong khi đó, tỷ giá niêm yết của các NHTM giảm 5đ/USD, xuống 22.890/23.100.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, lũy kế 2 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện ước đạt 2.5 tỷ USD, vẫn tăng khoảng 2% so với cùng kỳ 2020; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1.29 tỷ USD (so với cùng kỳ năm trước xuất siêu 1.8 tỷ USD).
Bởi vậy, nguồn cung ngoại tệ trong nước vẫn khá dồi dào, được biết các NHTM đã bán kỳ hạn một lượng lớn ngoại tệ cho NHNN trong tháng 1/2021.
Do đó, SSI cho rằng tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ đi ngang trong ngắn hạn và có thể giảm nhẹ trong cả năm 2021.