Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB) cho thấy, nguồn thu chính sụt giảm mạnh trong khi các nguồn thì ngoài lãi đều tăng đột biến.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý 3 của VietBank giảm đến 47% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn gần 169 tỷ đồng.
Ngược lại, các hoạt động ngoài lãi lại tăng trưởng mạnh như lãi thuần từ dịch vụ tăng 90% lên 18 tỷ; lãi từ kinh doanh ngoại hối gấp 8 lần khi đạt 13 tỷ; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng gấp 2.2 lần với 177 tỷ. Riêng lãi từ hoạt động khác giảm 40%.
Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietbank giảm đến 43% so với cùng kỳ về còn 111 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đến 65% chiếm 25 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận sau thuế của Vietbank giảm đến 54% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 66 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của Vietbank vẫn sụt giảm 46% so với cùng kỳ khi chỉ mang về hơn 487 tỷ đồng lãi thuần. Trong khi đó, chi phí dự phòng tín dụng tăng đến 80% với 66 tỷ đồng. Do đó, lãi trước và sau thuế giảm 13% về lần lượt gần 374 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.
Như vậy, sau 9 tháng, Vietbank đã thực hiện được 61% kế hoạch lãi trước thuế cả năm (613 tỷ đồng).
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của Vietbank tăng 19% so với đầu năm, đạt gần 82,270 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước gấp 2.3 lần đầu năm (6,050 tỷ đồng), các công cụ tài chính phái sinh và các tài sản tài chính khác tăng 29% (22 tỷ đồng), các khoản lãi, phí phải thu tăng 49% (2,406 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng nhẹ 4% (42,664 tỷ đồng).
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của khách hàng tăng đến 23% so với đầu năm, ghi nhận gần 60,696 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 66%, lên mức 4,150 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tính đến ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của Vietbank tăng đến 61% so với đầu năm, lên mức gần 868 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 54%, nợ nghi ngờ tăng 65% và nợ có khả năng mất vốn tăng 62%. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1.32% của đầu năm lên 2.03%.