Không làm thủ tục vay, bỗng dưng nợ đầm đìa Cty tài chính

Một số người dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) không làm thủ tục vay, chẳng hiểu sao mình lại trở thành con nợ của công ty tài chính. Điều đáng nói, giấy tờ cá nhân của họ bị làm giả một cách vội vã mà vẫn được đơn vị kiểm duyệt chấp thuận.
Khong lam thu tuc vay, bong dung no dam dia Cty tai chinh
 
Lừa trong “chớp mắt”
Bà Trần Thị Thanh (SN 1976, tổ dân phố 7, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) kể, khoảng cuối năm 2017, bà Nguyễn Thị Hiệp (SN 1980, thị trấn Chư Sê, làm nghề bán bánh tráng) đến mượn chứng minh thư và sổ hộ khẩu để đăng ký cho con tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Do làm ăn thân tình nhiều năm, bà Thanh tin lời đã cho bà Hiệp mượn. Tháng sau, bà Hiệp trả lại giấy tờ cho bà Thanh.
Giữa tháng 2/2018, bà Hiệp lại gặp bà Thanh, nói, hồ sơ lần trước làm sai cần mượn lại. Bà Thanh kể: Chồng tôi ông Trịnh Văn Vinh (SN 1956) đưa sổ hộ khẩu cho bà Hiệp, lập tức bà Hiệp bá vai, tự chụp ảnh với ông Vinh, bảo để làm kỷ niệm. Ba ngày sau, bà Hiệp nhờ một người phụ nữ bịt mặt đến trả lại chứng minh nhân dân và từ đó mất liên lạc.
Khoảng một tuần sau, cả xóm rộ tin đồn bà Hiệp lừa mượn giấy tờ của nhiều người để vay tín chấp, hiện đã bỏ trốn. Tại các cửa hàng dịch vụ mua trả góp đều có hệ thống kiểm tra liên kết về thông tin nợ vay với các tổ chức tín dụng của khách hàng, bà Thanh ra một cửa hàng bán điện thoại nhờ kiểm tra, được xác nhận chồng bà đứng tên món nợ 42 triệu đồng, theo hình thức trả góp.
Tương tự 2 chủ hộ khác là Ngô Văn Bình (SN 1978) và Đoàn Thị Diệu Hương (SN 1984) cùng trú tại tổ 14, thị trấn Chư Sê đã gửi đơn thư đến Báo Tiền Phong với nội dung bị bà Hiệp lừa mượn chứng minh thư và sổ hộ khẩu, làm giả các hồ sơ vay tín chấp tiêu dùng theo hình thức trả góp tại một công ty tài chính. Họ trở thành con nợ khi đi mua hàng trả góp tại cửa hàng Thế giới di động.
“Chứng minh nhân dân của tôi bị làm giả ngày cấp, ảnh trong hồ sơ bà Hiệp đã đến tiệm cắt tóc lấy máy điện thoại lén chụp hình em trai tôi rồi gắn vào hồ sơ. Chữ ký trong hồ sơ vay vốn là giả. Số điện thoại của người vợ trước kia đã qua đời 18 năm trước của tôi thành số điện thoại của người tham chiếu thông tin”- Anh Bình bức xúc.
Hiện 3 hộ dân này đều có các khoản vay tại các ngân hàng cổ phần thương mại. Nếu không trả khoản nợ “không phải của mình” với công ty tài chính thì họ sẽ bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu, không thể đáo hạn hoặc vay tiếp. Bà Thanh cho biết, tới tháng 5/2018, gia đình bà sẽ đáo hạn khoản vay 300 triệu đồng tại một ngân hàng, nếu bị liệt vào danh sách nợ xấu, gần như chắc chắn ngân hàng không cho vay lại.
Nhân viên cũ làm giả hồ sơ
Nhiều nạn nhân khẳng định: Người nhận chứng minh thư và sổ hộ khẩu để làm hồ sơ giả vay vốn là Đỗ Văn Xuân (SN 1979, trú tại Chi Lăng, Tp. Pleiku, Gia Lai) và Nguyễn Thị Kiều Trang (Đắk Nông), là nhân viên tại Fe Credit Chư Sê năm 2017, nay đã nghỉ việc. Cả hai đều tốt nghiệp THPT, và được đào tạo 2 ngày về các gói sản phẩm tín chấp tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên, ông Xuân cho biết để đạt doanh số cao nên tuyển bà Hiệp làm cộng tác viên. Nguyên tắc, ông Xuân phải gặp trực tiếp khách hàng do bà Hiệp giới thiệu, nhưng để bà Hiệp nhận chứng minh thư, hộ khẩu rồi tự làm hồ sơ. Thậm chí nếu khách hàng ký xấu hay thiếu nét, ông Xuân vô tư “sửa một vài nét”, thậm chí ký thay để hồ sơ dễ được duyệt.
Tìm đến văn phòng của công ty tài chính đó (885 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê), chúng tôi không gặp được người quản lý. Qua điện thoại, quản lý tên Thạch cho biết, các nhân viên liên quan đến vụ việc trên đã nghỉ việc. Ông Thạch mới tiếp nhận văn phòng không có trách nhiệm đối với những hồ sơ giả. Được biết, văn phòng này có khoảng 15 nhân viên và thay đổi nhân sự liên tục vì không chịu được áp lực.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Gia Cường - Phó trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết: đây là lần đầu tiên có sự việc làm giả hồ sơ vay tín chấp tại địa phương. Theo phân tích của ông Cường, vụ việc xảy ra phần lớn do công ty tài chính quản lý nhân viên lỏng lẻo. Hồ sơ được làm giả, nhưng việc giải ngân có thể là thật. Những người dân bị lừa không có trách nhiệm phải trả nợ, nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc giao dịch, nếu hệ thống ngân hàng lưu tên tuổi của họ vào danh sách khách hàng nợ xấu. Ngay khi nhận đơn trình báo của người dân, cơ quan điều tra Công an huyện Chư Sê sẽ điều tra.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai cũng cho biết cơ quan này đã tiếp nhận một số đơn thư như trình bày sự việc.
Theo Kim Văn/Tienphong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN