Diễn biến tỷ giá VND/USD 9 tháng đầu năm 2023 thế nào?
Tỷ giá trong hơn 6 tháng đầu năm hạ nhiệt bởi sự suy yếu của chỉ số DXY và nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ xuất siêu, FDI và kiều hối.
Tuy nhiên, khi DXY bắt đầu tăng trở lại từ tháng 7, kết hợp với mức chênh lệch lãi suất lớn giữa USD-VND do chính sách nới lỏng từ NHNN đã khiến tỷ giá quay trở lại đà tăng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá liên ngân hàng đang giao động ở mức 24.450, tăng 3,4% so với với thời điểm đầu năm. NHNN vẫn chưa có điều chỉnh gì đáng kể về tỷ giá chào bán, duy trì ở vùng 25.200 VND. Tuy vậy, NHNN đã phải điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm lên 1,9% so với đầu năm, đạt 24.065 thể hiện quan điểm về việc chấp nhận để mặt bằng tỷ giá mới cao hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong 9 tháng đầu năm, tỷ giá thị trường chợ đen diễn biến tương đồng với tỷ giá liên ngân hàng, với mức chênh lệch giảm đáng kể khi chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế thu hẹp xuống quanh 10 triệu đồng/ lượng khiến nhu cầu nhập lậu vàng giảm.
Tuy nhiên, biến động giá vàng trong trong nước và quốc tế ngược chiều nhau trong giai đoạn gần đây đã đẩy chênh lệch giá vàng SJC trong nước và thế giới lên gần 15 triệu đồng/ lượng; kích thích nhu cầu arbitrage khiến tỷ giá chợ đen tăng vọt. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá chợ đen đạt 24.730, tăng 4% so với đầu năm.
Mặc dù mất giá hơn 3% so với USD, nhưng chỉ số NEER và REER lại tăng nhẹ, lần lượt đạt 103,4 và 110,1, tăng 1,5% và 1,35% so với đầu năm (tương đồng với việc VND tăng giá trị so với rổ tiền tệ các đối tác thương mại). NEER tăng chủ yếu do CNY giảm giá so với nền cùng kì 2022 (-7% so cùng kỳ), và REER tăng ít hơn phản ánh lạm phát của Việt Nam đã cao hơn so với các đối tác thương mại chính, do Việt Nam có độ trễ về lạm phát khoảng 2 quý.
Lạm phát của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, mặc dù vẫn nằm trong mục tiêu Chính phủ đề ra, được đánh giá vẫn sẽ gây tác động tiêu cực lên lợi thế cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi các quốc gia trong rổ ngoại tệ có lạm phát thấp hơn và xu hướng giảm dần.
Tỷ giá USD/VND dự báo tăng 3,5% trong năm 2023
KBSV dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 3,5% trong năm nay, lên quanh mức 24.460 (với tỷ giá liên ngân hàng). Với việc DXY và US bond yield được dự báo tiếp tục xu hướng tăng, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục duy trì phát hành tín phiếu để hút ròng với khối lượng tối đa khoảng 250.000 nghìn tỷ và sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn nếu tỷ giá vượt qua ngưỡng 25.000.
Tỷ giá được dự báo sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực trong các tháng cuối năm do DXY và US bond yield tiếp tục xu hướng tăng. Dữ liệu về kinh tế Mỹ trong 3Q2023 tiếp tục cho thấy kinh tế Mỹ vẫn rất khỏe mạnh với mặt bằng lãi suất cao.
Cụ thể, số liệu tháng 9 cho thấy PMI dịch vụ tiếp tục duy trì trên 50 điểm, hơn 336 nghìn việc làm phi nông nghiệp được tạo ra (cao hơn nhiều kỳ vọng của thị trường). CPI tháng 9 tăng quay trở lại do chi phí năng lượng tăng 1,5% so tháng trước và chi phí thuê phòng, đặt phòng tăng 4,2% so tháng trước trong khi core CPI giảm về 4,1% so tháng trước như kỳ vọng của thị trường.
Điều này báo hiệu tới thị trường về khả năng dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 tới đây của Fed, nhưng đồng thời giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng cao nhất 15 năm qua do nhu cầu phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách của Mỹ cũng gây áp lực tới tỷ giá.
Đồng thời, diễn biến trái chiều về mặt chính sách của Fed và NHNN được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong các tháng cuối năm. Diễn biến này khiến chênh lệch lãi suất USD và VND được nới rộng với lãi suất USD cao hơn đáng kể, kích hoạt các hoạt động giao dịch carry trade (giới đầu tư sử dụng đồng tiền lãi suất thấp để mua đồng tiền lãi suất cao), qua đó khiến nhu cầu mua và nắm giữ USD gia tăng và gây áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, nhu cầu xuất nhập khẩu giai đoạn cuối năm tăng cao. Do hoạt động nhập khẩu cần thanh toán USD ngay trong khi lượng USD chảy về từ hoạt động xuất khẩu thường có độ trễ do quá trình sản xuất, gia công và chính sách bán hàng khiến cho lượng thiếu hụt trong ngắn hạn có thể tăng lên trong giai đoạn cuối năm, khi tình hình xuất nhập khẩu khởi sắc. Vì vậy dù xuất siêu lớn, sự thiếu hụt trong ngắn hạn do nhu cầu nhập khẩu tăng cao và các doanh nghiệp xuất khẩu chậm thu tiền có thể làm gia tăng áp lực trong ngắn hạn, từ đó tác động tới tỷ giá.
Dù vậy, xét trong 9 tháng đầu năm, bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng, VND vẫn là 1 trong những đồng tiền duy trì sức mạnh tốt nhất trong khu vực do nguồn cung ngoại tệ dồi dào.
KBSV cho rằng những lợi thế này vẫn được duy trì trong 3 tháng cuối năm, hỗ trợ tỷ giá bên cạnh sự can thiệp của NHNN. Nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục đến từ xuất siêu, FDI và kiều hối.
|
Chênh lệch lãi suất VND-USD các kỳ hạn |