JVC bỏ ngỏ kế hoạch kinh doanh, thay thế loạt nhân sự cấp cao

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HoSE: JVC) sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2020-2021 vào ngày 30/9 tới đây. Ngoài các nội dung về hoạt động kinh doanh, cuộc họp lần này sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS, do một số nhân sự vừa từ nhiệm.

Theo tài liệu Đại hội, lãnh đạo JVC đánh giá năm 2020 sẽ là một năm nhiều thử thách khi mà dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho ngân sách nhà nước, bao gồm cả ngân sách đầu tư cho y tế, cho năng lực tài chính của đối tác và bản thân công ty.

Do vậy, Công ty đang thực hiện rà soát, điều chỉnh, tổ chức lại mô hình kinh doanh, bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng nhân sự cũng như hiệu quả làm việc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu xử lý dứt điểm các tồn đọng về tài chính, công nợ, pháp lý.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ tập trung vào tìm kiếm và triển khai các dòng sản phẩm mới ở hoạt động kinh doanh thiết bị và vật tư tiêu hao; triển khai các dự án liên doanh liên kết mới…

Tuy vậy, con số cụ thể cho chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 bị JVC bỏ ngỏ và không đề cập. Theo Báo cáo thường niên 2019, JVC đặt kế hoạch năm 2020 với doanh thu thuần 570 tỷ đồng và lãi trước thuế 10 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 266% so với thực hiện năm 2019.

Quý đầu niên độ 2020, JVC ghi nhận doanh thu 90 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế hơn 700 triệu đồng, cùng kỳ năm trước lãi 2,7 tỷ đồng. Doanh thu của doanh nghiệp quý đầu niên độ trong hầu hết các lĩnh vực đều giảm, đặc biệt là kinh doanh vật tư tiêu hao hàng phim chụp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

JVC bo ngo ke hoach kinh doanh, thay the loat nhan su cap cao
 

Năm 2019, JVC ghi nhận doanh thu thuần đạt 517 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước do nguồn thu từ kinh doanh vật tư tiêu hao và đầu tư liên kết giảm trong khi doanh thu kinh doanh thiết bị y tế quay trở lại mức thông thường sau dự án Norred năm 2018.

Ngược lại, chi phí bán hàng vẫn tăng do triển khai các dòng sản phẩm mới và chi phí quản lý tăng do trích lập dự phòng công nợ phát sinh ở các đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào cuối năm. Theo đó, lãi sau thuế doanh nghiệp đạt 2,8 tỷ đồng, giảm 76% so cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối năm 2019, Công ty vẫn có khoản lỗ lũy kế lớn 1.015 tỷ đồng nên HĐQT trình không chia cổ tức 2019 và dự kiến năm 2020 vẫn chưa thể chia cổ tức.

Về vấn đề nhân sự, ban lãnh đạo JVC trình việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường và ông Nguyễn Thế Hướng, miễn nhiệm chức danh thành viên BKS đối với bà Lương Kim Thanh và ông Ngô Văn Hùng.

Do vậy, ĐHĐCĐ sẽ phải bầu thay thế 3/5 thành viên HĐQT và 2/3 thành viên BKS cho nhiệm kỳ 2016-2021. Danh sách ứng viên ứng cử vào HĐQT và BKS thay thế chưa được tiết lộ.

Đáng chú ý, trước thềm đại hội, cơ cấu cổ đông của JVC đã có thay đổi lớn. Nhóm cổ đông đến từ Nhật Bản gồm DI Asian Industrial Fund, L.P (DIAF), Dream Incubator (DI Inc.) và Orix Corporation rút 28% vốn sau 8 năm đầu tư.

Nhóm cổ đông lớn mới xuất hiện là 4 cá nhân nắm 38,2% vốn công ty, trong đó có lãnh đạo của Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP Corp, HNX: DNP) như bà Phan Thị Thu Thảo và ông Nguyễn Văn Hiếu.

Ngay cả Tổng giám đốc JVC, bà Vũ Thị Thúy Hằng cũng nhảy vào cuộc đua gom 11,2 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn công ty để đầu tư.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN