Tạp chí Forbes Asia vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia's Power Businesswomen). Các đại diện năm nay đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Trong đó, “nữ tướng” FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp là một trong 2 đại diện của Việt Nam được tôn vinh trong danh sách này.
Trước đó, vào năm 2019, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp đã được vinh danh trong danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes Việt Nam.
|
Bà Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không xa lạ trong giới bán lẻ hàng công nghệ. |
Bà Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không xa lạ trong giới bán lẻ hàng công nghệ. Khởi sự của bà bắt đầu tại FPT, là công ty mẹ của FPT Retail từ năm 1997, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học. Năm 2012, bà chính thức gia nhập FPT Retail và trở thành Chủ tịch năm 2017.
Dưới sự dẫn dắt của bà, FPT Retail không chỉ tăng trưởng về chiều rộng mà còn cả chiều sâu trong nhiều năm liên tiếp, góp phần xây dựng công ty trở thành nhà bán lẻ thiết bị công nghệ lớn thứ hai Việt Nam, với hơn 630 cửa hàng trên toàn quốc.
Thăng trầm cùng thị trường, chứng kiến mảng bán lẻ điện thoại tăng chậm lại do thị trường gần đạt điểm bão hòa, bà Điệp đã tiếp tục tạo dấu ấn khi đưa FPT Retail tham gia mảng bán lẻ dược phẩm với thương vụ mua phần lớn cổ phần của chuỗi nhà thuốc Long Châu và mở rộng từ 4 cửa hàng lên khoảng 160.
Để đáp ứng nhu cầu về mặt hàng dược phẩm gia tăng trong thời kỳ đại dịch, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 60 nhà thuốc trong năm nay. Thậm chí, FPT Retail cò đặt tham vọng chiếm 30% thị phần bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 3 - 4 năm tới, mảng dược sẽ đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu của công ty ở mức khoảng 5.000 tỷ đồng.
Kết quả mang đã lại cho FPT Retail lợi nhuận hàng trăm tỷ mỗi năm, doanh thu thuần lên đỉnh hơn 16.600 tỷ vào năm 2019, còn tổng tài sản tăng lên con số gần 6.600 tỷ.
Riêng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ do tác động chung của dịch Covid-19 trên toàn cầu dẫn đến tình hình kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng đáng kể trong quý 1 và quý 2.
Trong đó, nhiều cửa hàng FPT Shop bị đóng cửa theo quy định của Chính phủ trong thời điểm đầu tháng 4. Bên cạnh đó, sức mua của thị trường giảm đáng kể dẫn đến việc lợi nhuận sau thuế quý 2/2020 lỗ 3,6 tỷ đồng trong khi quý 2/2019 lãi 105 tỷ đồng.
|
Các con số kinh doanh của FPT Retail trong thời gian qua (tỷ đồng) |
Dù vậy, năm 2020, FPT Retail dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế sẽ đạt 15,320 tỷ đồng và 220 tỷ đồng.
Nữ tướng FPT Retail còn tiết lộ, trong tương lai, Công ty sẽ tiếp tục tìm những hướng kinh doanh mới và phát triển liên tục gối đầu để đảm bảo quá trình tăng trưởng của công ty. Đây là bài học rút ra từ việc FPT Retail đã phát triển mảng dược phẩm trễ so với thời điểm mảng điện thoại đi vào chu kỳ bão hòa.
Với tinh thần dấn thân và sự quyết đoán trong công việc, “người đàn bà thép” này sẽ hiện thực hoá những kế hoạch này trong tương lai như thế nào để tiếp tục đưa FPT Retail tăng tốc trở lại?