Nhiều cổ phiếu đối mặt với đà giảm
Đợt bùng phát coronavirus chặn đứng đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index mất 6% so với vùng đỉnh trước Tết Âm lịch. J.P. Morgan nhận định các cổ phiếu ngành hàng không, sân bay, trung tâm thương mại, khách sạn và nông nghiệp phải đối mặt với đà giảm giá.
Vietjet và Vietnam Airlines đã tạm dừng các chuyến bay đến Trung Quốc, một thị trường quốc tế lớn của cả 2 hãng. Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng phải đối mặt với triển vọng khó khăn. Vingroup cũng gặp khó khi các hệ thống nghỉ dưỡng của Vinpearl và các trung tâm thương mại của Vincom Retail có thể suy giảm đáng kể lượng khách trong quý I.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa và chậm mở cửa khẩu với Trung Quốc gây áp lực lên các nhà sản xuất nông nghiệp, nhất là các công ty xuất khẩu sang Trung Quốc (Vĩnh Hoàn, Hoàng Anh Gia Lai Agrico). Chính phủ ước tính thiệt hại 600 triệu USD hoạt động xuất khẩu trong quý I.
Sản lượng bia của Sabeco cũng dự kiến giảm trong quý I, tuy nhiên mức độ tác động ít nghiêm trọng do chi tiêu của khách du lịch chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh số bán lẻ.
J.P. Morgan cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam không bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thanh khoản vẫn duy trì ổn định và áp lực ngắn hạn sẽ giảm bớt trong quý II. Một thống kê của quỹ cho thấy đợt dịch SARS năm 2003 cũng ít ảnh hưởng đến ngân hàng.
|
J.P. Morgan cho rằng nhiều ngành kinh doanh tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
|
Việt Nam có thể hạn chế tác động tiêu cực
J.P. Morgan nhận định đây là một cú sốc ngắn hạn lên chuỗi cung ứng và có tác động nhất định đến hoạt động sản xuất nội địa trong trường hợp Trung Quốc kéo dài việc ngừng sản xuất. “Chính phủ Việt Nam có thể vô hiệu hóa bằng cách tác động lên cán cân thanh toán (BOP) và xem xét các biện pháp tiếp theo để giảm bớt tác động kinh tế”, báo cáo J.P. Morgan viết.
Trung Quốc chiếm khoảng 29% giá trị nhập khẩu, 15% giá trị xuất khẩu và dòng tiền từ khách du lịch Trung Quốc đóng góp 1,8% GDP hàng năm của Việt Nam.
Cán cân thanh toán của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể hạn chế tác động tiêu cực khi cần thiết. Việt Nam có dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD tại cuối năm 2019, tương đương với 16,5 tuần nhập khẩu.
Một số giải pháp Chính phủ có thể thực hiện để giảm tác động kinh tế như tiếp tục giao thương tại biên giới với Trung Quốc cũng như xem xét các gói kích thích kinh tế (thực tế đầu tư công đã vượt kế hoạch ban đầu trong 2 đợt đại dịch trước đây, dịch SARS năm 2003 vượt 35% và dịch H1N1 năm 2009 vượt 61%.
Cổ phiếu Việt Nam rẻ hơn
J.P. Morgan đánh giá tác động giảm lợi nhuận 5-30% của ngành khiến tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm từ 14,9% xuống 10,7%.
Tổ chức này cũng cho rằng đợt bán tháo vừa qua khiến các cổ phiếu Việt Nam trở nên rẻ hơn. Chỉ số P/E toàn thị trường đã rơi về khoảng 13x, dưới mức trung bình 5 năm qua. J.P. Morgan kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng và hàng tiêu dùng sẽ bật lên nhờ vào nhu cầu nội địa vẫn tăng trưởng và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ lên nền kinh tế. Ngành công nghệ thông tin (IT) cũng không bị gián đoạn
“Tăng trưởng các công ty vẫn được duy trì trong bối cảnh định giá trở nên rẻ hơn, chúng tôi vẫn đánh giá thị trường Việt Nam tích cực, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng, IT và hàng tiêu dùng không thiết yếu”, J.P. Morgan cho biết.
Một số thông tin mà J.P. Morgan khuyến nghị theo dõi như dòng vốn ngoại sẽ đổ vào Việt Nam theo các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) mới. MSCI đã nâng hạng Kuwait do đó sẽ tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam từ 15% lên 25%. Lộ trình hiện đại hóa thị trường chứng khoán và sửa đổi luật doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế sau khi dịch coronavirus được kiểm soát.