Dịch nCoV gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam như thế nào?

Chuyên gia Bùi Quang Tín cho biết dịch bệnh corona sẽ gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất, ảnh hưởng không tốt đến lạm phát, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam.

Tính đến sáng 12/2, Việt Nam đã ghi nhận 15 ca nhiễm virus corona. Mặc dù số ca nhiễm chưa cao và cũng chưa có trường hợp tử vong nhưng Chính phủ cũng đã có những biện pháp tương đối mạnh nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 vào ngày 5/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo nếu dịch corona được khống chế kịp thời trong quý 1/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01), trong đó quý 1 tăng 3,8%; quý 2 tăng 6,55%; quý 3 tăng 7,07% và quý 4 tăng 6,81%.

Nếu dịch corona được khống chế trong quý 2/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01), trong đó quý 1 tăng 3,8%; quý 2 tăng 5,81%; quý 3 tăng 7,05% và quý 4 tăng 6,81%.

“Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Cả nền kinh tế bị tác động

Nhóm phân tích CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới kinh tế Việt Nam. Cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh corona, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí.

Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.

Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng cần phải biết dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam.

Dich nCoV gay ap luc len nen kinh te Viet Nam nhu the nao?
 Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín

Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao như bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)... Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.

Ngoài khu vực dịch vụ thì khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.

Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam.

Nhóm phân tích BVSC cho rằng, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quý 2/2020. Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, nhóm này cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý 2/2020.

Corona gây áp lực lớn 

Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín cho biết theo số liệu thống kê, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 41 tỷ USD và nhập khẩu từ quốc gia này 75 tỷ USD, tính ra xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc chiếm 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Điều này cho thấy hàng hóa xuất nhập giữa 2 quốc gia là rất lớn, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, còn nhập khẩu phần lớn nguyên liệu sản xuất.

Do dịch corona bùng phát nên từ ngày 31/1 đến 8/2, Việt Nam và Trung Quốc tạm dừng hàng hóa qua lại ở các cửa khẩu biên giới, khiến một số nông sản của Việt Nam chưa xuất khẩu được, có dấu hiệu tồn kho, nhất là dưa hấu và thanh long (hiện hàng chục tấn thanh long đã được thông quan ở cửa khẩu Lạng Sơn).

Như thế, có thể dự báo tổng nguồn thu nước ta sẽ sụt giảm, nhất là thu từ việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Biểu hiện rõ nhất là khi dịch corona lan rộng, chỉ trong đầu tháng 2, các mặt hàng như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, khoai lang… vốn là thế mạnh của Việt Nam xuất sang Trung Quốc được báo động dư thừa, trong khi các mặt hàng này gần như không xuất khẩu đến các quốc gia khác.

Việt Nam vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc mua của các quốc gia khác sẽ có giá cao, làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa. “Từ đó gây áp lực lên t giá, lãi suất, ảnh hưởng không tốt đến lạm phát, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam từ 6,5%-6,8%”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Phát triển thị trường xuất khẩu trong năm 2020 không dễ

Việc “để toàn bộ trứng vào một giỏ” - khá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc khiến Việt Nam điêu đứng khi nước này “bế quan toả cảng”. Liệu rằng Việt Nam có thể chủ động tìm và phát triển các thị trường mới có dễ?

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín thì việc phát triển thêm thị trường để xuất nhập hàng hóa trong năm 2020 là không dễ bởi các thị trường này rất khó tính.

Vì thế, đây là lúc để doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động, tiếp tục tìm hiểu thị trường mới, xây dựng nguồn nhân lực, trang bị công nghệ, thiết lập quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của nhiều quốc gia.

Dich nCoV gay ap luc len nen kinh te Viet Nam nhu the nao?-Hinh-2
 Thanh long bị ứ đọng do Trung Quốc không thu mua. 

Trong bối cảnh chưa mở rộng được thị trường, nông sản trong nước dồn ứ, chỉ còn biện pháp tình thế là kêu gọi người dân tiêu thụ sản phẩm, ngân hàng giảm lãi suất trong ngắn hạn cho doanh nghiệp bị thiệt hại vì dịch bệnh, khuyến khích xuất khẩu chính ngạch…

Trước mắt, Nhà nước có thể ban hành lộ trình, tiêu chí chọn lọc các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh, thông qua các ngân hàng thương mại để đưa ra gói cho vay dài hạn giá rẻ. Thậm chí, Nhà nước có thể sàng lọc từng doanh nghiệp để công bố số tiền hỗ trợ nhất định.

Còn về dài lâu, Nhà nước tăng cường các giải pháp gắn liền với thực tế. Đó là hỗ trợ chi phí đàm phán xúc tiến thương mại, tư vấn đầu tư công nghệ, vay vốn ngân hàng… cho các doanh nghiệp tìm kiếm được thị trường mới, tập trung chế biến sản phẩm sau thu hoạch, xuất khẩu chính ngạch, nhất là doanh nghiệp xuất nông sản sang Trung Quốc. 

Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín hiện là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trường Doanh nhân BizLight; Thành viên sáng lập Công ty luật Globalink; Thành viên đoàn Luật sư TP HCM; Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín có hơn 23 năm nghiên cứu, giảng dạy và làm việc thực tiễn trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng và trên 7 năm nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực pháp lý. Ông đồng thời là giảng viên thỉnh giảng của nhiều trường Đại học lớn trong cả nước và tại các doanh nghiệp, định chế tài chính lớn về các chuyên đề tài chính, ngân hàng, pháp lý…
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN