HSG bị cắt margin do 6 tháng niên độ lỗ 424 tỷ đồng

Ngày 30/5, Sở GDCK TPHCM (HOSE) đưa cổ phiếu HSG của Tập đoàn hoa Sen vào danh sách không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC soát xét 6 tháng đầu năm tài chính là số âm.  
Phản ứng trước thông tin bi quan này, cổ phiếu HSG cũng đỏ điểm trong phiên sáng 31/5 về mức 15.500 đồng/cp, ghi nhận giảm hơn 18% trong vòng 1 năm qua. Thanh khoản sôi động khi bình quân gần 13 triệu đơn vị được sang tay mỗi phiên. 
Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen đã công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 31/3/2023 (năm tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 31/9 năm sau).
Theo đó, Tập đoàn Hoa Sen đạt 14.898 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các loại chi phí, tính chung 6 tháng Hoa Sen lỗ ròng 424 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước đó lãi sau thuế 873 tỷ đồng.
Được biết, trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.
Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, HSG lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, HSG ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
HSG bi cat margin do 6 thang nien do lo 424 ty dong
 
Trong khi đó, Chứng khoán SSI vừa có báo cáo phân tích và hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu HSG từ Trung lập xuống Kém khả quan với giá mục tiêu 1 năm là 14.300 đồng/cổ phiếu dựa trên P/B mục tiêu là 0,8x. Việc lợi nhuận của HSG đã qua đáy có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, SSI cho rằng triển vọng ngắn hạn vẫn còn nhiều thách thức và lợi nhuận còn biến động mạnh do nhu cầu nội địa yếu và giá thép thế giới điều chỉnh khiến tỷ suất lợi nhuận của HSG rất mỏng. Nhà đầu tư có thể đợi cho đến khi có nhiều tín hiệu phục hồi hơn, có thể là vào cuối năm, hoặc giá cổ phiếu điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn. SSI cũng lưu ý rằng với kết quả lợi nhuận âm trong nửa đầu năm 2023, HSG có khả năng bị loại khỏi danh sách cổ phiếu được giao dịch ký quỹ tại HOSE sau khi BCTC soát xét được công bố.
SSI cũng đưa ra triển vọng lợi nhuận của HSG. Trong đó xuất khẩu phục hồi ổn định và dự kiến lên gần 60.000 tấn/tháng trong vài tháng tới, nhờ nhu cầu phục hồi từ Mỹ và Châu Âu. HSG đã chốt đơn hàng xuất khẩu trước gần 100.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu nhiều khả năng vẫn thấp hơn so với kênh nội địa do thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển.
Mặt khác, thị trường trong nước nhiều khả năng vẫn ảm đạm do suy thoái kinh tế. Theo đó, HSG kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HSG sẽ giảm 24% trong năm 2023 đạt 1,36 triệu tấn, giảm 8,7% so với dự báo trước đó.
Tỷ suất lợi nhuận trong thời gian tới có thể sẽ giảm do giá thép điều chỉnh. Giá HRC trong nước đã điều chỉnh gần 12% trong hai tháng qua sau khi giá Trung Quốc giảm khoảng 14%, do dư cung tại các nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Nhu cầu của Trung Quốc trong Q1/2023 ước tính chỉ tăng 1,9%, thấp hơn mức tăng sản lượng sản xuất là 6,1% so cùng kỳ.
Các đơn hàng được ký trước sẽ giúp HSG đảm bảo tỷ suất lợi nhuận cho kênh xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc giá thép điều chỉnh có thể ảnh hưởng kém tích cực đến dự phòng hàng tồn kho của công ty và khiến tỷ suất lợi nhuận trong quý 3/2023 thấp hơn so với quý gần đây. 
Do đó, SSI đã hạ đáng kể ước tính lợi nhuận năm 2023 từ 263 tỷ đồng xuống 41 tỷ đồng (giảm 84% so cùng kỳ). Mặc dù SSI giả định rằng giá trung bình bán bình quân của HSG sẽ giảm 18%, thấp hơn mức giảm 22% của HRC, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp trong năm sẽ chỉ giảm nhẹ xuống 9,2% từ 9,9% trong năm 2022 do sản lượng tiêu thụ thấp hơn.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN