CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) là doanh nghiệp lỗ nặng nhất trong quý 4/2019 tính đến thời điểm hiện nay.
Doanh thu quý 4/2019 của Thép Tiến Lên tăng 16%, lên 1.585 tỷ đồng. Gánh nặng chi phí khiến lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 172 tỷ đồng, lỗ nặng gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Đây là mức lỗ sâu nhất từ quý 4/2015 của Công ty.
Cả năm 2019, Công ty báo doanh thu giảm 9% còn 5.396 tỷ đồng. Lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ là 143 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 85 tỷ đồng. Như vậy, Thép Tiến Lên vượt 14% kế hoạch doanh thu và vỡ kế hoạch lợi nhuận 102 tỷ đồng đề ra.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản Thép Tiến Lên là 3.573 tỷ đồng, tăng 25% đầu kỳ do gia tăng hàng tồn kho. Đồng thời, khoản mục này cũng chiếm phần lớn tài sản với 61%.
Các khoản phải thu ngắn hạn giảm, cuối kỳ ghi nhận 375 tỷ đồng. Nợ phải trả là 2.111 tỷ đồng, gấp 1,7 lần đầu kỳ, chủ yếu do phải trả người bán tăng. Vay nợ chiếm 68% nợ phải trả, tăng hơn 400 tỷ trong năm 2019.
Mới đây, công ty thông qua việc huy động vốn tạm thời từ các cổ đông sáng lập để bổ sung nguồn vốn lưu động.
Theo đó, công ty dự kiến từ 2020 đến 2022 sẽ huy động bình quân khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm từ các cổ đông sáng lập là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Mạnh Hà và 2 thành viên Hội đồng quản trị Phạm Thị Hồng và ông Nguyễn Văn Quang. Mỗi kỳ huy động tối đa không quá 6 tháng cho 1 hợp đồng. Và mức lãi suất áp dụng cho kỳ huy động vốn là 0%.
|
Một số doanh nghiệp báo lỗ trong quý 4/2019. Nguồn: VietstockFinance |
Năm 2019 không mấy suôn sẻ với CTCP Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) khi liên tiếp chìm trong thua lỗ sau sự cố YouTube hồi tháng 3.
Theo báo cáo tài chính được công bố, doanh thu trong quý 4/2019 của Yeah1 đạt 435 tỷ đồng, giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí quản lý tăng đột biến do trích lập dự phòng khiến Yeah1 báo lỗ gần 158 tỷ đồng trong kỳ, trong khi cùng kỳ có lãi đến 43 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm, Yeah1 ghi nhận 1.449 tỷ đồng doanh thu, trong đó quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 1.050 tỷ đồng, quảng cáo trên truyền hình cũng góp phần đáng kể nguồn thu Tập đoàn với hơn 326 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Yeah1 báo lỗ ròng cả năm 2019 gần 372 tỷ đồng, nâng khoản lỗ luỹ kế lên 292 tỷ đồng.
Được biết trong tháng 12/2019, Hội đồng quản trị Yeah1 đã thông qua Nghị quyết trích lập bổ sung 50% giá trị khoản phải thu từ việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty ScaleLab LLC với số tiền gần 139 tỷ đồng, tương đương 6 triệu USD. Sau việc trích lập dự phòng bổ sung, 100% giá trị khoản phải thu này đã được trích lập hoàn toàn trong năm 2019.
Nằm trong top những công ty lỗ trên trăm tỷ còn có sự góp mặt của CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR). Được biết, doanh thu trong quý 4/2019 của Công ty là 475 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Thêm nào đó, Cao su Phước Hòa còn ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên doanh liên kết hơn 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 41 tỷ. Song song đó, Công ty còn ghi nhận lỗ khác hơn 177 tỷ đồng khiến lỗ ròng gần 128 tỷ trong quý 4, cùng kỳ lãi hơn 246 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2019, Cao su Phước Hòa đạt 1.635 tỷ doanh thu, lợi nhuận trước thuế 645 tỷ, lợi nhuận sau thuế 522 tỷ đồng, giảm 19%.
So với kế hoạch đã đặt ra, Công ty chỉ mới thực hiện được 75% chỉ tiêu doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) cũng vừa báo lỗ trong quý 4/2019, khiến cả năm lỗ đến 200 tỷ đồng. Như vậy, năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp PVX lỗ, nâng lỗ lũy kế lên tới 3.887 tỷ đồng, sắp "ngốn" hết vốn góp của chủ sở hữu 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu quý 4/2019 của PVX giảm mạnh 71% so với cùng kỳ năm 2018, còn 316 tỷ đồng. Giá vốn giảm ít hơn 64% khiến lỗ gộp tăng lên 148 tỷ đồng.
Việc hoàn nhập 15 tỷ đồng chi phí giúp công ty lãi 25 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng giảm lần lượt 31% và 99%. Nhờ cắt giảm chi phí, công ty báo lỗ ròng giảm 49% cùng kỳ, còn 81 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2019, PVX ghi nhận doanh thu 1.939 tỷ đồng, giảm 42%. Lỗ ròng là 198 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 261 tỷ đồng. Như vậy, Công ty hoàn thành 61% kế hoạch doanh thu, PVX không đặt kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, PVX lỗ là 416 tỷ đồng vào năm 2017 và 414 tỷ đồng vào năm 2018. Năm 2019, Công ty cũng báo lỗ, nếu báo cáo kiểm toán không thay đổi về kết quả lợi nhuận ròng, PVX phải hủy niêm yết. Trước đây, Công ty từng thua lỗ liên tiếp vào năm 2012 và 2013, tuy nhiên đến năm 2014 lãi 10 triệu đồng.
Đáng nói, đại diện cho nhóm ngân hàng là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank, HoSE: EIB) cũng có quý 4/2019 lỗ đến 16 tỷ đồng, nhưng đã cải thiện hơn rất nhiều so với con số 247 tỷ đồng của cùng kỳ.
Luỹ kế trong cả năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Eximbank vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 866 tỷ đồng.
Nhờ tăng trưởng ở nhiều mảng kinh doanh, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng hơn 15% so với năm trước. Cùng với việc cắt giảm nhẹ chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng hơn 32%.
Trong năm 2020, Eximbank đặt kế hoạch cho tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 127.345 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2.400 tỷ đồng.
Gây bất ngờ nhất là CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) khi báo lỗ 20 tỷ trong quý 4 khiến lợi nhuận cả năm giảm 38%.
Doanh thu cả năm 2019 đạt 16.634 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018. Doanh thu online đạt mức 3.899 tỷ đồng, tăng 60% và chiếm tỷ trọng 23,4% tổng doanh thu.
Được biết, năm 2019, kinh doanh phụ kiện và SIM số là điểm sáng khi đạt tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể: số lượng phụ kiện và sim số bán ra lần lượt đạt 5,2 triệu và 858.000 sản phẩm, lần lượt tăng 29% và 67% so với năm 2018.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 278 tỷ đồng, giảm 36%. Nguyên nhận giảm sút do Công ty trích lập dự phòng nợ xấu từ chương trình F.Friends và Subsidy trong quý 4/2019. Trong quý 4, FPT Retail lỗ ròng 20 tỷ đồng so với mức lãi 120 tỷ đồng của cùng kỳ.
Ngoài ra, danh sách lỗ trong quý 4 còn có những cái tên như CTCP Thép Việt Ý (HoSE: VIS), CTCP Thép Pomina (HoSE: POM), CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL),…