Hàng trăm tài xế Vinasun tiếp tục kéo đến tòa vụ kiện Grab

Grab khẳng định, đề án 24 là đề án mở và chưa từng có chuyện một công ty kiện một công ty khác chỉ vì mình không áp dụng được công nghệ.
Ngày 17/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam.
Hang tram tai xe Vinasun tiep tuc keo den toa vu kien Grab
 Hàng trăm tài xế Vinasun tới theo dõi phiên tòa.
Cũng như các lần xét xử trước, từ sáng sớm hàng trăm tài xế và nhân viên của Vinasun cùng kéo tới theo dõi phiên tòa. Tuy nhiên, khác với lần trước họ không mang theo băng rôn, biểu ngữ.
Tham gia phiên tòa, đại diện phía Vinasun có ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Vinasun, đại diện Grab có ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore) là CEO của công ty này tại Việt Nam.
Trước đó, TAND TP.HCM đã 3 lần mở tòa nhưng đều phải tạm hoãn do vụ án cần phải bổ sung chứng cứ nên HĐXX tạm dừng phiên tòa và lần thứ 3 là do bị đơn đề nghị hoãn tòa để xem xét lại các tài liệu chứng cứ.
Theo đơn kiện của Vinasun, suốt thời gian qua, Grab cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…gây thiệt hại cho taxi truyền thống.
Vinasun cho rằng, trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương thì Grab lại triển khai tràn lan quanh năm. Việc khuyến mại không được phép diễn ra quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày, nhưng Grab không tuân theo nghị định trên.
Hang tram tai xe Vinasun tiep tuc keo den toa vu kien Grab-Hinh-2
 Ông Trương Đình Quý – Phó Tổng giám đốc Vinasun.
Kèm theo đơn khởi kiện, Vinasun cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ để cho thấy Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam gồm văn bản, hình ảnh và khoảng hơn 20 video.
Vinasun cũng yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng.
Trước khi khởi kiện Grab ra tòa, Vinasun từng gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Uber và Grab là công ty kinh doanh dịch vụ taxi chứ không phải công ty kinh doanh công nghệ. Công ty này còn đề xuất sớm định danh để quản lý hai hãng trên theo mô hình taxi truyền thống.
Tại phiên tòa hôm nay, ngay trong phần làm thủ tục, đại diện GrabTaxi tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa với lý do Công ty Cổ phần giám định Cửu Long (đơn vị giám định thiệt hại của Vinasun) vắng mặt. Grab cũng cung cấp một số tài liệu cho tòa và yêu cầu được bảo mật vì liên quan tới bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, tòa lại muốn công bố những tài liệu này. Không đồng ý với đề nghị trên, Grab yêu cầu hoãn phiên tòa.
Hang tram tai xe Vinasun tiep tuc keo den toa vu kien Grab-Hinh-3
 Ông Jerry Lim (áo đen), CEO Grab tại Việt Nam.
Trong quá trình xét xử, Grab yêu cầu tòa bảo mật danh sách hợp tác xã và hợp đồng hợp tác kinh doanh của tài xế với hợp tác xã.
Vinasun đã khiếu nại và được Phó Chánh án TAND TP.HCM đồng ý cho công ty này sao chụp hồ sơ của Grab. Grab khiếu nại lên cấp cao hơn nhưng đều bị bác vì việc Vinasun tiếp cận tài liệu là không vi phạm pháp luật.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định bác đề nghị của GrabTaxi về việc không công bố tài liệu về hoạt động kinh doanh và hợp đồng hợp tác giữa bị đơn và các đối tác. HĐXX cũng không đồng ý hoãn phiên tòa.
Tại phiên tòa hôm nay, Vinasun tiếp tục khẳng định GrabTaxi vi phạm đề án 24, Thông tư và Nghị định của Chính phủ. Theo đề án này, GrabTaxi chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Grab Taxi đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm…
Cũng theo Vinasun, việc làm của Grab đã gây thiệt hại nặng nề cho Vinasun nên công ty này khởi kiện yêu cầu Grab phải bồi thường cho mình hơn 41 tỉ đồng.
Lúc này, đại diện Grab cho rằng, Grab là công ty cung cấp công nghệ để kết nối giữa các công ty vận tải với tài xế và hành khách. Quyết định 24 là quyết định mở cho các công ty cung cấp công nghệ để kết nối ở một ngành nghề nào đó.
Chính Vinasun cũng được tham gia đề án 24 và đó hoàn toàn là công bằng. Chưa bao giờ có chuyện một công ty kiện một công ty khác khi công ty mình không áp dụng được công nghệ.
“Nếu Grab vi phạm Quyết định 24 thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý, nhưng tới nay chúng tôi không hề bị xử lý”, ông Jerry Lim khẳng định .
Về số tiền thiệt hại mà Vinasun đề cập, đại diện Grab cho rằng bản chứng thư giám định của Công ty Cửu Long có rất nhiều 'vấn đề'.
Đại diện Vinasun cho rằng ý kiến, luận cứ của Grab là nhận thức sai về hệ thống pháp luật, tổ chức của Việt Nam. Vinansun khởi kiện hoàn toàn đúng pháp luật, khởi kiện về giá khuyến mại trong kinh doanh chứ không khởi kiện Quyết định 24.
Theo Đoàn Nga/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN