“Phòng Lab có răng”
Người dùng bây giờ có nhiều thông tin hơn, lòng tin đối với món ngon phụ thuộc “phòng Lab có răng” và những địa chỉ quen thuộc. Năm ngoái, người mua săn tìm món ngon nhà làm và những sản phẩm “bày tiệc tốc hành”. Tại Cần Thơ, một đại lý chả hoa Năm Thuỵ bán trên 300 triệu đồng trong dịp tết. Năm nay, cơ sở Năm Thuỵ mở thêm hệ thống đại lý ở hai tỉnh nữa, các đại lý ở tỉnh khác lo hụt hàng nên hối thúc giao hàng, nhất là các đại lý bán hàng online.
|
Bạn Đỗ Thanh Nghĩa, con dâu bà Hạnh Diệu, giới thiệu sản phẩm nhà Hạnh Diệu. Ảnh: H.L |
"Rút kinh nghiệm năm trước, kế hoạch làm hàng tết năm nay chạy đều ở nhóm hàng truyền thống. Năm nay có thêm hai mặt hàng mới” sau khi đã mời dùng thử, anh Nguyễn Trường Chinh, người điều hành cơ sở Năm Thuỵ, cho biết.
Món thịt sấy, giá bán lẻ 190.000 đồng/kg, thịt ba rọi một nắng (nói nắng nhưng là sấy từ thiết bị của Đức), cả hai được ướp tẩm theo công thức “nhà làm” vô tình chứ không biết trước, bất ngờ thịt ướp mai quế lộ, rượu Anise, đại hồi, tiểu hồi, quế khâu, đinh hương… trong một ngày rồi chiên lên, gợi ra mùi vị của một loại thịt mà ai nấy tự đặt tên thịt lạp, để nhớ món xưa đã mai một.
Chiếc máy sấy giúp cơ sở tạo ra sản phẩm mới và tiến độ lắp ráp hệ thống năng lượng mặt trời, giúp cho cơ sở chả hoa Năm Thuỵ bảo đảm nhịp độ sản xuất với giá bán ổn định. Mức đầu tư cho chương trình năng lượng tái tạo trên 1,8 tỷ đồng, trước hết tiết kiệm được 30% tiền điện hàng tháng. Đầu tư một lần để tiết giảm chi phí lâu dài, là bước thứ hai thực hiện chương trình sản xuất xanh của cơ sở này.
Bước một vẫn duy trì, hàng tháng cơ sở Năm Thuỵ và cơ quan chức năng kiểm định tại nguồn về chất lượng thịt heo từ nông trại và lò giết mỗ, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc trong những ngày bình thường.
“Hệ thống này có lợi vì hết thời gian bảo hành là 25 năm, bộ biến đổi 12 năm, nhưng đối với cơ sở sản xuất thì 5-6 năm là hoàn vốn, khoảng còn lại không tốn tiền”, anh Chinh nói.
Sống lại tinh hoa “nữ công gia chánh”
Bà Hạnh Diệu, từng dạy nữ công gia chánh suốt 20 năm ở trường Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, có fanpage “raucaunghethuathanhdieu”, có trường nghề Hạnh Diệu… nói rằng bên cạnh nhóm mua thân thiết, con dâu mới về nhà chồng chưa được hai năm, nói mẹ cho con bán hàng trên mạng. Từ đó, hình ảnh các món ngon của nhà Hạnh Diệu lên facebook, để mọi người nhìn thấy cách làm. Tài liệu khá đầy đủ để mọi người có thể tự làm, biết cách làm cho ngon.
Những món ngon làm trong suốt tháng qua không phải hàng tết ra chợ, chủ yếu là người quen đặt hàng gởi ra nước ngoài. Người Việt ở hải ngoại nói bên đây nếu ngày tết không phải là ngày cuối tuần, thì cũng như ngày thường. Nhưng khi nhìn bánh mứt, cảm giác như không khí tết tràn ngập trong nhà mình. Do đó món ăn đi xa phải tinh tươm, phải gói ghém tinh hoa cho mọi người, bà Hạnh Diệu nói.
Hạnh Diệu là thương hiệu bánh mứt, món dưa, rau câu, tỉa củ… nổi tiếng với trường nghề và những học trò ra nghề khá thành công ở Cần Thơ. “Khi người ta ngán ngọt, bà Hạnh Diệu chịu khó làm mứt me từ vài tháng trước tết. Nếu để tới bây giờ, nguyên liệu không còn nữa. Mứt mãng cầu làm xong người mua lấy hết. Dừa, khóm, khoai lang, mãng cầu… làm không hoá chất.
Thông thường, mãng cầu phải xả sạch mới trắng, nếu còn vị chua sẽ có màu vàng nhưng cứ giữ màu tự nhiên, có vị chua dễ ăn hơn. Mãng cầu, mứt me là mặt hàng chính, bên cạnh mứt dừa dẻo, kẹo khóm, những loại có vị chua cho đỡ ngán. Bánh khoai lang là món mới, làm chưa nhiều, chỉ mới dùng thử, nhưng có nhiều người khuyên bà Hạnh Diệu làm nhiều lên đi, chứ qua tết sức mua sẽ kém.
Gia đình quá ít người, bà Hạnh Diệu không thể “đua” như người khác, việc làm trong nhà bà là kiểu làm của một người đã ngoài 60 tuổi, cứ làm từ từ, vừa làm vừa dạy. Bà tìm lại những học trò từng muốn ra nghề nhưng chưa may mắn về nhà cùng làm; thêm con dâu đam mê nghề này, nên năm nay bà làm hàng nhiều hơn mọi năm.
Bản thân bà cũng muốn làm hàng tết phải là đặc sản từ nguyên liệu bản địa, để vừa bán cho người quen, vừa dạy con dâu biết cách làm, coi như đó là hành trang kế tiếp trước khi con theo chồng định cư tại Úc. Sau ngày rằm tháng chạp sẽ tới đợt hàng làm kiệu, dưa đầu heo, rau câu 3D, 4D, món ngon nhà làm có khi tới 29 – 30 tết mới kết thúc.
Gạo ST24 hữu cơ, kịp ra chợ tết
Control Union Viet Nam Co.Ltd đã công bố kết quả và chứng nhận Tổ hợp tác ấp Thanh Hoá, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đạt mọi yêu cầu chỉ số theo tiêu chuẩn từ đồng ruộng, nhà máy và phân tích mẫu lúa đạt tiêu chuẩn Organic.
|
Gạo ST24 được chọn vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau (Trung Quốc) cuối năm 2017. Ảnh: I.T |
15 hộ nông dân thuộc tổ hợp tác tham gia, sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ trên 9,5ha, trong đó hộ nông dân Phạm Văn Sơn canh tác trên diện tích 5 công, đạt đỉnh năng suất 1,24 tấn/công (lúa tươi).
Ông Sơn cho biết lâu nay, diện tích này từng trồng lúa theo mô hình lúa – tôm, mùa khô năm ngoái tại đây nuôi tôm, tới mùa mưa bà con trồng lúa và nuôi tôm càng xanh trên ruộng. Vì vậy, tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nếu dùng tôm sẽ chết. Giống lúa ST24 do DNTN Hồ Quang Trí cung cấp, ngay từ đầu ông chỉ đặt lòng tin vào giống ST, hôm nghe ST24 đạt top 3 “Gạo ngon nhất thế giới năm 2017”, bụng bảo dạ thế nào cũng sẽ trúng giá.
Do đó, kết quả kiểm tra qua 255 điểm chỉ số sản phẩm hoàn toàn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ông Sơn nói làm lúa hữu cơ trên nền lúa – tôm, không xài thuốc, tưởng đâu có gì phức tạp, nhưng trải qua quá trình đánh giá, kiểm mẫu đất, nước, phỏng vấn xem nhận thức của người trồng hiểu gì về sức khoẻ… của đất, đúng là có quá nhiều việc phải học, làm đúng bài bản.
|
Đông đảo khách thăm quan háo hức thử vị thơm ngon từ các giống gạo ST. Ảnh: SSC |
DNTN Hồ Quang Trí, hiện có trong tay khoảng 50 tấn lúa ST24 theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ vừa thu hoạch, kịp chào bán vào dịp tết Mậu Tuất 2018. Việc đầu tư cho chương trình gắn với một loại giống vừa được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, được đơn vị đánh giá kiểm tra nghiêm ngặt từng lô đất sản xuất; phỏng vấn nghiêm túc, tính điểm (90 điểm), có 14/15 hộ đạt yêu cầu về tính chấp hành kỹ thuật canh tác.
Thật ra cũng từng học bài bản về 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 4 đúng… nhưng cách giảng giải hồi xưa không làm rõ hành trình sản phẩm tới người dùng, mà chỉ cốt làm sao tăng năng suất, thậm chí cứ trồng thâm canh, bón phân, xài thuốc, ít ai cảnh báo làm vậy đất bạc màu, nhiễm độc…
Làm lúa hữu cơ trên nền đất lúa – tôm, nuôi tôm càng xanh cùng với trồng lúa, nông dân hiểu cái lợi của bán sản phẩm với giá tốt hơn, nhưng nghe giải thích mới thấy cái lợi lớn hơn chính là nuôi dưỡng những tài nguyên tiềm tàng, sức khoẻ của đất.
Theo ông Sơn, đạt năng suất cao nhất là điều đáng mừng, nhưng mừng nhất là bài toán nuôi trồng đa dạng hoá đã mở mang hơn rất nhiều so suy nghĩ theo lối độc canh, phụ thuộc hoá chất rồi lẩn quẩn trong bài toán chia mọi chi phí chỉ với một nguồn thu duy nhất là bán lúa.