Hàng không Cánh Diều chỉ nên khai thác 20-25 tàu bay vào năm 2025

Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) chỉ nên khai thác từ 20-25 chiếc máy bay vào năm 2025. Dự án có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Khai thác 30 tàu vào năm 2025 khó có hiệu quả

Tiếp theo Vinpearl Air và Vietravel Airlines, hàng không Cánh Diều (Kite Air) là doanh nghiệp thứ 3 được Cục Hàng không Việt Nam (VN) ủng hộ lập hãng hàng không.

Công ty Thiên Minh đang xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Thành lập hãng hàng không Cánh Diều. Theo đó, về doanh nghiệp này dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2005), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương.

Dự án đặt sân bay căn cứ tại CHK Chu Lai và CHK quốc tế Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư dự án 1.000 tỷ đồng.

Trong văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc thẩm định dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng nêu rõ: "Cơ quan này ủng hộ về chủ trương việc thành lập các hãng hàng không mới trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật, phù hợp với hệ thống quy hoạch ngành và các quy hoạch có liên quan, đáp ứng với sự phát triển của thị trường và nhu cầu đi lại của nhân dân".

“Việc có thêm các hãng hàng không Việt Nam mới sẽ đa dạng hóa sản phẩm, giúp cho hành khách có thêm sự lựa chọn, tăng thêm yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng tự do hoá, có tính cạnh tranh cao và cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới”, Cục Hàng không VN khẳng định.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Cục Hàng không VN cũng cho rằng, việc đến năm 2025, Công ty Thiên Minh dự kiến khai thác 30 tàu bay, bao gồm 15 tàu bay ATR-72 và 15 tàu bay A321 cần phải được xem xét lại về khía cạnh tính hiệu quả của đội tàu bay ATR-72 cũng như năng lực, nguồn lực để khai thác đội tàu bay với quy mô 30 chiếc. Từ đây, cơ quan này khuyến cáo Thiên Minh chỉ nên khai thác từ 20-25 chiếc vào năm 2025.

Hang khong Canh Dieu chi nen khai thac 20-25 tau bay vao nam 2025
 

Nhận diện khó khăn hạ tầng, Thiên Minh “né” bay đến Tân Sơn Nhất

Đánh giá về mạng bay, Cục Hàng không VN cho hay, trong năm đầu tiên khai thác (năm 2020), Công ty Thiên Minh chỉ khai thác các đường bay nội địa từ Nội Bài, Chu Lai, Đà Nẵng đi đến các cảng hàng không địa phương như: Điện Biên, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Cà Mau, Côn Đảo, Rạch Giá và chỉ khai thác đường bay từ Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo. Tổng số chuyến bay khai thác tại CHK Nội Bài là 21 chuyến/tuần, tại CHK Tân Sơn Nhất là 21 chuyến/tuần và tại CHK Đà Nẵng/CHK Chu Lại là 63 chuyến/tuần.

Bắt đầu từ năm khai thác thứ 3 (năm 2022), tần suất khai thác tại CHK Nội Bài tăng từ 21 chuyến lên 103 chuyến/tuần và tại CHK Tân Sơn Nhất là từ 21 chuyến lên 78 chuyến/tuần.

Đến năm khai thác thứ 5 (năm 2024), tổng số chuyến bay khai thác tại CHK Nội Bài 163 chuyến/tuần, tại CHK Tân Sơn Nhất là 161 chuyến/tuần và tại CHK Đà Nẵng/Chu Lai là 138 chuyến/tuần.

Kế hoạch mạng đường bay nêu trên của Thiên Minh được Cục Hàng không VN nhận định là phù hợp với định hướng, quy hoạch chuyên ngành là mạng đường bay nội địa có kết nối liền vùng, kết nối các cảng hàng không địa phương, đặc biệt khai thác đi/đến các cảng hàng không phục vụ kinh tế, chính trị, có dung lượng thị trường còn thấp.

Hiện tại, duy nhất có Vasco khai thác như: Cà Mau, Điện Biên, Côn Đảo, Rạch Giá và mạng đường bay quốc tế kết nối các cảng hàng không quốc tế chính đi/đến các thị trường trong khu vực ASEAN và khu vực Đông Bắc Á.

Đáng lưu ý, theo Cục Hàng không VN, dự án thành lập hãng hàng không Cánh Diều đã nhận diện được khó khăn về hạ tầng cảng hàng không cho giai đoạn sắp tới, đặc biệt là tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Để tránh gây áp lực lên các CHK quốc tế này, trong năm đầu tiên, Công ty Thiên Minh chỉ tập trung khai thác các đường bay từ khu vực miền Trung đi/đến các vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ và chi khai thác duy nhất đường bay từ CHKQT Tân Sơn Nhất đi/đến Côn Đảo, 3 đường bay từ CHKQT Nội Bài đi/đến các cảng hàng không Điện Biên, Vinh và Chu Lai. Đến năm khai thác thứ 3, công ty bắt đầu mở rộng khai thác các đường bay từ CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài đi/đến các cảng hàng không trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, Cục Hàng không VN cũng khẳng định, kế hoạch này chỉ có thể khả thi trong trường hợp các dự án mở rộng và xây mới nhà ga hành khách tại hai CHK Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cùng với CHK Long Thành được thực hiện và đưa vào khai thác theo đúng tiến độ vào giai đoạn từ năm 2023-2025.

“Cục Hàng không VN không đảm bảo việc cấp phép khai thác đi/đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho giai đoạn từ năm 2020 đến khi nhà ga hành khách số 3 mới của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác”, Cục trưởng Đinh Việt Thắng thông tin.

Theo báo Giao thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN