Mức giá cao nhất trong cả nước là 86.000 đồng/kg
Theo thông tin từ các Sở Công Thương địa phương, trong vài ngày trở lại đây, giá lợn hơi ở nhiều tỉnh Tây Nam bộ đã có xu hướng sụt giảm gần 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2019, về mức dưới 80.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc cũng giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn dưới 90.000 đồng/kg; có tỉnh chỉ còn khoảng 86.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm một phần do các tập đoàn lớn trong ngành chăn nuôi lợn, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã tham gia bình ổn giá mặt hàng này với mức giá bán ổn định là 83.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 8/1 tại miền Bắc khá ổn định trong khoảng 78.000 - 84.000 đồng/kg. Trong khi giá heo tại Tuyên Quang tăng 2.000 đồng lên mức 82.000 đồng/kg thì Hà Nội và Hưng Yên cùng giảm 2 và 1 giá xuống lần lượt 83.000 đồng/kg và 84.000 đồng/kg.
Cùng mức giá 84.000 đồng/kg là Lào Cai. Thấp hơn một chút có Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình đều 83.000 đồng/kg. Ghi nhận mức giá thấp nhất chính là tại Thái Nguyên với 78.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên cũng khá ổn định khi chỉ Bình Định và Lâm Đồng giảm 2 giá xuống 78.000 đồng/kg và 85.000 đồng/kg.
Các tỉnh còn lại giá heo ổn định như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắc với 82.000 đồng/kg. Còn Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Khánh Hòa chỉ 81.000 đồng/kg.
Mức giá cao nhất ở khu vực này thuộc về Ninh Thuận và Quảng Ngãi với 86.000 đồng/kg.
Trái ngược với miền Bắc và miền Trung, giá heo hơi tại miền Nam vẫn trên đà lao dốc với mức giảm từ 1-6 giá so với hôm qua.
Trong đó, Cà Mau giảm mạnh nhất khi xuống còn 80.000 đồng/kg. Bình Dương, Bến Tre cùng giảm 5.000 đồng, xuống lần lượt 83.000 đồng/kg và 80.000 đồng/kg.
TPHCM giảm 4 giá, về mức 84.000 đồng/kg. Đồng Tháp giảm 3 giá, còn 83.000 đồng/kg. Các tỉnh như Sóc Trăng và Bạc Liêu cùng giảm 2 giá, về mức thấp nhất của khu vực với 78.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi tại miền Nam đang giao dịch trong khoảng 78.000 - 85.000 đồng/kg.
Năm 2020, dự kiến sản lượng thịt heo của Việt Nam giảm 6%
Năm 2019, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là một năm gặp nhiều biến cố đối với ngành chăn nuôi lợn do chịu thiệt hại nặng nề từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Sản lượng thịt lợn giảm sâu gần 14%, so với năm 2018.
Trước tình hình thiếu hụt nguồn cung trong nước, để góp phần bình ổn giá thịt lợn tại thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 ở thị trường nội địa, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương, kết quả đã có khoảng trên 50 doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.
Cũng theo thông tin từ các Thương vụ, do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bản thân một số nước chăn nuôi chính trên thế giới cũng đang bị sụt giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ có xu hướng giảm 10% do bệnh Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi ở các nước, trong đó Trung Quốc giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%…