Mời độc giả xem video nguyên tắc tăng giá điện mới của EVN (nguồn Youtube):
Theo quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được tự quyết định giá điện bình quân từ ngày 15/8/2017.
Trong trường hợp giá bán điện điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
|
EVN được phép tự điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân từ ngày 15/8. Ảnh minh họa: VTC. |
Trường hợp giá bán điện tăng từ 5% đến dưới 10%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép tăng giá bán bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công thương chấp thuận. Sau 15 ngày kể từ ngày EVN báo cáo, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo lại Bộ Tài chính và Bộ Công thương.
Trường hợp giá điện tăng trên 10% so với gián bán điện hiện hành, hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá điện trình Bộ Công thương. Sau đó Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát.
Trong vòng 15 ngày, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và gửi ý kiến bằng văn bản đến Bộ Công Thương. Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngược lại, trường hợp giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Nếu EVN không điều chỉnh giảm, Bộ Công thương có trách nhiệm yêu cầu EVN điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân.
Hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của EVN và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề.
Trường hợp phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.